Hôm nay Cáo được 1 tháng rồi. Sau khi đã vật lộn làm mẹ bỉm sữa tập đầu suốt tháng đầu gian nan, mình mới có thời gian ngồi viết về trải nghiệm đi sinh tại AIH, để lưu lại và cho những ai cần.

Hành trình tại AIH của mình bắt đầu từ tuần 27, sau khi quyết định thăm khám thử tại AIH giữa đỉnh điểm của dịch và giãn cách xã hội.

  • Tuần 27 mình định khám với bác Linh nhưng bác kín lịch. MÌnh đến khám với bác Khoe trưởng khoa và được bác hẹn 4 tuần sau tái khám. Lần đầu này vẫn đỉnh của dịch nên mình phải test nhanh trước khi vào khám nhưng không đông lắm nên mình chờ 20-30 phút là được vào.
  • Sau đó, tuần 31 trở đi mình đủ mũi vaccine nên không cần test nhanh trước khi khám. Lần này mình khám với bác Linh. Do nói chuyện với bác xong mình rất yên tâm nên quyết định nhờ bác đỡ sinh luôn. Lúc này bác hẹn mình tái khám tuần 34, 36, và trừ đó trở đi khám mỗi tuần đến khi sinh.
  • Không tiện nói cụ thể lý do, nhưng bác Linh duyệt cho mình sinh mổ. Từ tuần 36, mình khám mỗi tuần, đo tim thai và siêu âm, cũng đặt lịch mổ sau tuần 39. Mình chốt lịch mổ vào 39 tuần 1 ngày, ngay trước giáng sinh (cũng là sinh nhật mình ^^).
  • Trước sinh: mình khám đến ngày cuối cùng ngay trước ngày nhập viện để test PCR, khám tiền mê, kiểm tra lần cuối. Bác sĩ tư vấn gây mê cho mình rất cặn kẽ, cụ thể, nhẹ nhàng. Cảm thấy rất yên tâm.
  • Xét nghiệm mở hồ sơ sinh: mình làm tại Diag rồi đưa kết quả vào AIH
  • Đi sinh: do mình được xếp lịch mổ sáng sớm nên mình nhập viện trước 1 ngày, vào lúc 9h tối. Lúc này ngoài giờ nên mình nhập viện từ khoa cấp cứu, sau khi test nhanh Covid và đo tim thai. Mình nhận phòng lúc khuya và bắt đầu nhịn ăn lẫn uống do mình sinh mổ.
  • Sáng hôm sinh, lúc 6h sáng bệnh viện giao đồ ăn sáng nhưng chỉ người thân ăn thôi chứ mình vẫn phải nhịn. Y tá vào phát áo thay và xà phòng khử khuẩn để mình tắm thật sạch trước khi chuyển sang phòng mổ.
  • Phòng mổ: Khoảng 8h sáng thì y tá lên truyển dịch và đưa mình xuống phòng mổ. Do mình sinh đúng dịp có tặng clip quay hành trình đi sinh nên lúc này có một bạn sẽ đến quay phim. Chồng cũng theo mình xuống phòng mổ. Đi xuống phòng mổ sẽ có các bạn y tá và bác sĩ gây mê đón. Quá trình gây tê khá nhanh và bác sĩ sẽ giải thích trong quá trình làm. Sẽ có một bạn thổi máy sưởi cho mình nên tuy nằm trên bàn mổ mình không cảm thấy lạnh. Có lẽ trong dịch truyền có thuốc an thần và giảm đau, đêm trước lại khó ngủ nên trước khi mổ mình buồn ngủ kinh khủng chứ không lo lắng sợ hãi gì cả. Khi bác Linh vào là bắt đẩu mổ ngay. Lúc này chồng mình cũng vào luôn. Tuy không nhìn thấy bên dưới nhưng cảm giác của mình là khá đông bác sĩ và y tá và thao tác nhanh. Khoảng 5-10 phút sau khi mình tê hết cảm giác là em bé ra rồi. Bé được lau, đem cân do và kề da với mẹ ngay, trong khi bác sĩ khâu vết mổ. Do mình đeo khẩu trang hơi ngộp nên có lúc mình hơi buồn nôn và khó thở, còn lại không có gì khó chịu cả. Sau đó em bé được chuyển qua khoa nhi có ba đi theo. Tuy nhiên do truyền đạt chắc không rõ nên chồng mình đợi nhầm chỗ, mãi một lúc sau mới tìm được chỗ em bé nằm (chỗ này mình thấy là điểm trừ). Còn trong phòng mổ, sau khi khâu xong bác Linh có báo cho mình biết, chúc mình hồi phục và mình được chuyển sang phòng hồi sức. Bác sĩ/y tá trực phòng hồi sức khá ân cần. hỏi thăm thường xuyên và nhắc mình vài lưu ý để săn sóc vết mổ. Sau gần 2 tiếng, khi mình đã cử động được chân và huyết áp ổn định thì mình được đưa về phòng gắp chồng và con.
  • Về phòng và những ngày lưu viện: Khi về phòng mình thấy chồng mình đang ôm em bé mà bé khóc dữ lắm. Thì ra là bé đói mà chồng mình không biết, mà cũng không ai hỏi để giúp pha sữa. Biết là việc này của ba mẹ nhưng mấy cô điều dưỡng lẽ ra cũng nên nhắc ba mẹ. Sau khi biết thì mình nhờ các cô hướng dẫn ba pha sữa thanh (mình mang theo). Trong phòng thì luôn có bình thủy nước nóng. Nguyên ngày hôm đó đến hôm sau mình vẫn phải gắn ống thông tiểu, năm trên giường truyền thuốc và truyền dịch. Trái với lời khuyên của nhiều mẹ, bác sĩ gây mê nhắc nhở mình rất nhiều lần trước đó là không bước xuống giường để đi trong vòng 24 tiếng, do cơ thể sau khi mổ còn rất yếu. Chỉ nằm trên giường tập vài động tác nhẹ nhàng thôi. Suốt hôm đó đến hôm sau mình chỉ ăn cháo. Người nhà thì ăn bình thường. Đến trưa hôm sau thì mình được rút ống thông tiêu, đi lại từ từ thật chậm, có thể tự đi toilet được. Đến chiều hôm đó thì mình tự gội đầu được luôn. Do thuốc ngày đầu có kèm thuốc chống táo bón nên mình bị tiêu chảy. Sau đó, mình hồi phục cũng tạm ổn. Mỗi ngày ngoài thuốc giảm đau tiêm qua dịch truyền còn có thêm thuốc đặt và Paracetamol viên. Tóm lại mình rất ít đau vết mổ.
  • Sữa mẹ: Không bị đau mỏ nhiều nhưng mình bị stress vì vấn đề sữa mẹ. Những ngày đầu mình chưa có sữa, con thì lại đói và cắn nghiến, hút máy không ra nên mình rất căng thẳng mệt mỏi. Đến ngày thứ 3 các bác sĩ và y tá đều khẳng định mình đã có sữa và cần phải hút ra hoặc cho con bú. Em bé mình cắn mình chảy máu, còn máy thì hút không ra lại đau rát nên mình không lấy sữa ra được. Đến hôm xuất viện mình bắt đầu bị cương sữa sinh lý, những ngày sau chữa rất đau đớn. Trong suốt những ngày ở bệnh viện con mình bú sữa thanh Meiji là chính.
  • Lưu viện: Trong những ngày lưu viện luôn có bác sĩ nhi đến thăm và kiểm tra bé (độ vàng da, nhiệt độ, v.v. và vết mổ mẹ mỗi sáng. Mình thấy khá chu đáo, nhưng không ai nhắc mình phải tự gỡ lớp keo dánh sinh học chỗ vết mổ sau 2 tuần nên mãi về sau, cả tháng mình mới gỡ. Mỗi ngày đều có người đến nhắc đưa bé đi tắm và vệ sinh cuống rốn cho bé.
  • Ăn uống: Mỗi ngảy đều có người gọi điện lên phòng hỏi để mình chọn món ăn. Cái này chu đáo nhưng tiếng chuông điện thoại phòng khá ẩm ĩ và lại gắt nên có mấy lần em bé bị giật mình. Đồ ăn bệnh viện thì mình thấy cả món Âu lẫn Á đều lành nhiều hơn ngon, và rất mau nguội lạnh. Bữa phụ thường là sữa tươi hộp hoặc yogurt. Mình ăn để không đói thôi chứ không thấy ngon miệng.
  • Cái mình thấy phiền nhất trong những ngày lưu viện là số lượng người ra vào phòng quá nhiều (lao công, nhân viên thay nước nóng, y tá, bác sĩ nhi, nhân viên giao đồ ăn, vv,..). Họ thay nhau mở cửa nên ban ngày ngủ cứ bị gián đoạn liên tục rất mệt mỏi.
  • Xuất viện: Trong quá trình lưu viện các cô y tá, điều dưỡng cũng rất nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ cho 2 vợ chồng lóng ngóng như tụi mình. Mỗi ngày em bé cũng được mang đi tắm sạch sẽ. Đến hôm xuất viện (buổi trưa), mình vẫn ăn sáng tại bệnh viện, sau đó làm thủ tục trả hồ sơ, lấy thuốc (cho mẹ và bé), và lấy hẹn tái khám sau 1 tháng. Đến lúc ra viện có điểu dưỡng dưa mình ra tận sảnh rất chu đáo.
  • Clip phóng sự đi sinh: Ngoài hôm mình mổ thì sau đó có người liên hệ để quay cho mình cảnh tắm bé, cảnh ba mẹ và bé tại phòng sinh. Sau 3 tuần thì mình nhận được clip và đến khi tái khám sau 1 tháng thì nhận được thiệp điện tử. Tuy không quá đặc sắc nhưng mình thấy clip khá dễ thương, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho bé sau này.

Đây là sơ sơ vài trải nghiệm của mình. Nói chung mình thấy chọn bệnh viện AIH để sinh là đúng đắn và rất an tâm. Ngoài vài điểm trừ nhỏ về dịdh vụ, mình thấy rất tin tưởng các bác sĩ. Các y tá, điểu dưỡng cũng rất quan tâm, chăm sóc mẹ con mình cẩn thận. Nếu có ai bạn bè người thân mình cũng sẽ giới thiệu để sinh tại đây. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích cho những ai đang cân nhắc sinh con tại AIH hoặc chuẩn bị lên đường vượt cạn!

Ở nhà chờ đến ngày sinh là một thử thách với lòng kiên nhẫn. Nên nhân lúc khỏe khoắn đi lại dễ dàng mình đã chuẩn bị góc phòng cho em bé và soạn thật đầy đủ đồ đi sinh để đến ngày chỉ cần xách mang đi bệnh viện. Do tính lo xa nên thật ra mình chuẩn bị dư hơi nhiều. Ở dưới mình sẽ tổng kết lại những thứ mình thấy không cần. Cơ bản mình chia ra 2 nhóm đồ: cho ba mẹ và cho em bé.

Những thứ mình mang theo cho em bé, gồm:

  • Quần áo: Do mình lưu viện 3 ngày và thêm 1 ngày ra viện nên mình mang trên 3 bộ trừ hao (mỗi bộ gồm 1 sleepsuit, 1 bộ bao tay chân và nón), và một bộ xinh xinh cho bé mặc khi về nhà. Ngoài ra mình mang thêm 4-5 bộ bodysuit trừ hao.
  • Tã: Ở bệnh viện mình sinh (AIH) hay bất cứ quốc tế hoặc bệnh viện tư nào cũng sẽ chuẩn bị ít tã cho bé. Nhưng theo mình thấy là không đủ nên mang theo 16-20 miếng. Tã mình chọn là Moony Natural size Newborn (NB).
  • Dầu tắm và một số loại chăm sóc cơ thể mình để chung gồm dầu tắm gội, lotion, kem, v.v. (size du lịch). Mình chọn của Mustela. Một số dầu khác như dầu tràm Huế, dầu khuynh diệp, và tinh dầu massage mình tự pha.
  • Khăn: Theo như bệnh viện dặn, mình mang theo 6 khăn vừa quấn vừa tắm và tầm 10 khăn sữa, khăn giấy ướt và khô. Bệnh viện cũng sẽ cho thêm 1 bịch khăn ướt nữa.
  • Bình sữa đã tiệt trùng và sữa thanh Meiji phòng khi sữa mẹ chưa về. Bình sữa mình mang 4 bình trừ hao thôi nhưng cuối cùng vẫn dùng bình của bệnh viện là chính.
  • Giấy tờ, hồ sơ mình có mang theo nhưng không hề dùng đến vì bệnh viện đã lưu hết thông tin trước đó.

Cho mẹ:

  • 1 bộ quần áo ra viện 
  • Quần lót và bvs Mama cho mẹ thì bệnh viện đã cho nhưng mình trừ hao mang thêm
  • Tấm lót giường Caryn (bệnh viện cũng sẽ cho)
  • Một đôi dép êm ái
  • Bộ chăm sóc cá nhân gồm dưỡng da, dầu tắm gội, lotion, kem và bàn chải đánh răng, dưỡng môi, hay đồ trang điểm nếu muốn. Cái này tùy mỗi người. Nhưng không nên và cũng không cần mang theo dầu thơm. Mình không trang điểm nên chỉ mang theo đúng 1 cây son thôi còn lại chỉ là dưỡng da không cồn và không mùi để an toàn cho mẹ & bé.
  • Một chiếc mền gọn nhẹ, êm ái mình yêu thích nhất. Dĩ nhiên ở bệnh viện có mền nhưng sau khi mang rồi mình thấy đây là thứ hết sức cần thiết nên mang theo.
  • Vớ: 3-5 đôi
  • Một ly trữ nhiệt kèm ống hút.
  • Một số thực phẩm bổ sung như tinh bột nghệ, nước cốt gà (uống cho mau hồi phục sau sinh và cũng có tác dụng kích sữa)
  • Máy hút sữa

Sau khi đã mang hết những thứ này thì thật ra mình thấy đa số là mình mang dư hoặc gần như không xài. Bù lại có những thứ mang theo trừ hao lại thành ra cần thiết và xài rất nhiều:

  • Ly trữ nhiệt, cực kỳ cần đề luôn có nước ấm ngay đầu giường trong những ngày đầu kích sữa. 
  • Mền riêng: Do mình cũng thuộc dạng khó ngủ nên rất cần cảm giác êm ái thân thuộc như ở nhà. Mình lại dễ bị nóng nên trước giờ đi du lịch hay không quen với chăn mền của khách sạn. Trong suốt mấy ngày ở bệnh viện, mình rất mừng vì luôn có chiếc chăn bằng tơ tằm mát nhẹ mang theo.
  • Vớ: Mình sinh mổ và dù bình thường mình hay bị nóng chân nhưng sinh xong chân mình rất lạnh. Mình thấy mang theo vớ giữ ấm chân rất quan trọng.
  • Nếu được nên mang theo một ít snack lành mạnh phòng khi thức ăn bệnh viện nhạt miêng hoặc đói đêm khuya như chà bông, rong biển. Người chăm thì không cần quá kỹ về ăn uống. Mình đi sinh với chồng nên mang theo vài gói mì ăn lúc đêm khuya (nên đem theo 1 tô nhỏ của mình luôn để tiện ăn khuya nếu cần nhé.)
  • Tã và khăn tắm, khăn sữa cho bé: Do lúc mới sinh có nhiều lóng ngóng, nhất là với những ba mẹ tập đầu như mình thì việc xài hao tã là bình thường. Tã của bệnh viện thường không đủ.
  • Sữa: Không có gì chắc sữa mẹ sẽ về sớm nên cứ nên mang tương đối nhiều (8-10 thanh) trừ hao bé bú nhiều. Mình nghe nói sơ sinh bú cưc ít nên không cần mang nhiều nhưng ngày đầu con mình đã bú 20, hôm sau lên 40 lại nhiều cữ nên suýt không đủ sữa thanh cho con.
  • Quần áo bé: thứ mình chỉ mang trừ hao là bodysuit thì thật ra lại xài nhiều nhất. Sleepsuit đẹp thật nhưng do mới sinh con đầu, thay quần áo bé lóng ngóng lại chưa quen thay tã nên mình thấy body, nhất là body tay ngắn dễ mặc lại thoáng mát cho bé nhất. Nên mang nhiều và trừ hao.

Ngoài ra cho người nhà (chồng, mẹ, hoặc người thân), mình mang theo quần áo và sản phẩm vệ sinh cá nhân tùy theo nhu cầu thôi.

Nếu ai sinh ở AIH những thứ không thật sự cần mang vì bệnh viện đã lo đủ (thậm chí dư):

  • Khăn tắm, khăn mặt cho mẹ và người nhà
  • Quần lót mặc 1 lần và băng vệ sinh cho mẹ
  • Tấm lót sản dịch
  • Dầu tắm bé
  • Kem và bàn chải
  • Bình sữa

Mình thấy các mẹ chuẩn bị hết máy móc mang theo rất chu đáo nhưng do mình chủ trương gọn nhẹ nên không mang máy gì theo cả trừ máy hút sữa để kích sữa mấy ngày đầu.

Phần này mình chỉ nói về hành lý đi sinh. Phần sau, mình sẽ chia sẻ vài kinh nghiệm khi sinh ở AIH nhé.

Giữa mua dịch giãn cách, mình vẫn tìm mua được hai chiếc bánh trung thu Như Lan rất ngon mà không phải xếp hàng. Lúc nhỏ mình chỉ thích ăn bánh trung thu đậu xanh, vì bánh trung thu thập cẩm lúc đó thường rất ngọt và lại gắt dầu. Về sau này các hãng đầu tư nhiều hơn, bánh trung thu càng lúc càng ngon hơn, đa dạng hơn. Giá cũng rất là trên trời. Sau nhiều năm ăn bánh trung thu của nhiều hãng, mình vẫn thấy bánh trung thu thập cẩm của Như Lan là ngon nhất. Có lẽ vì nó không gắt dầu, lại thơm thơm mùi bơ. So với khẩu vị của mình thì cũng vẫn là quá ngọt, nhưng dù sao vẫn đỡ ngán, lại rất chắc chứ không bở như những hãng khác. Ngoại trừ bánh trung thu vi cá mình không bao giờ đụng tới vì lý do môi trường và bảo vệ tự nhiên, bánh trung thu 10 cẩm gà quay khá ngon và đậm vị. Liên bánh trung thu đậu xanh, hạt sen nhưng trứng muối thì thật lòng không thể so sánh được với các loại nhân không thịt tương tự ở Singapore hay Đài Loan. Nhưng dù sao có thêm một lựa chọn để đổi qua đổi lại cho đỡ ngán.

Tối trung thu tuy trời nhiều mây nhưng vẫn thấy trăng treo lơ lửng rất xinh. Ăn tí bánh trung thu, uống vài ly trà ô long nhỏ em mua được từ Đài Loan, cắt thêm vài nhánh hoa ngoài vườn vào cắm, thế là có một trung thu trọn vẹn.

Do ở nhà rảnh rỗi có thời gian chơi scrapbook nên ngoài làm photobook, mình làm một số sổ theo chủ đề. Chép, xé, dán không lười mà quay vả post thì lại lười nên mình làm từ từ vậy. Hôm nay nhân ngày Trung Thu, mình thu lại quyển đầu tiên, Thi Ca Nhật Bản. Một quyển sổ cũng không chép được quá nhiều nên mình chọn ra một số bài thơ cổ, haiku Nhật Bản mình rất thích. Quyển sau về chủ đề thơ cổ Nhật, mình sẽ dành riêng cho thi tăng Saigyo nhé!

 

 

Thực đơn hôm nay của nhà mình có:

– Omlette hàu sữa

– Đọt lang xào tỏi

– Chả cá thác lác chiên

– Canh cải bẹ xanh cá lác thác

Do trời hơi mưa và âm u nên mình nấu canh cải bẹ xanh với gừng và tiêu cho ấm bụng. Hàu sữa mua của bạn hàng xóm rất tươi ngon, mập thịt. Hôm trước mình làm món hàu chiên trứng 2 đợt rồi vẫn còn nhiều nên hôm nay làm trứng đúc luôn. Đọt rau lang rất tươi, chế biến cũng dễ nữa. Ăn có vị thanh ngọt như rau cần nhưng diu hơn, lại giòn mềm. Ngoài xào tỏi ra nếu xào thịt bò hoặc xào nõn tôm cũng rất ngon. Nếu chăm chế biến, còn có thể bóp trộn chung với miến trong món Japchae của Hàn hoặc xào với miến cua. Hôm nay thì mình chế biến đơn giản vậy thôi.

Trời hơi lạnh, trứng chiên thơm, hàu đậm vị, đọt lang giòn mềm thanh thanh, lại có canh cải ăn xong rất no nhưng ấm bụng chứ không hề óc ách nhé ?!

Thực đơn hôm nay:

– Tôm sốt trứng muối

– Canh chua thơm nấu tôm

Hôm nay mình phát huy tôm bạc thẻ mua của bạn hàng xóm giữa đại dịch. Tôm vừa ngon vừa tươi vừa rẻ. Tôm chắc, vỏ mỏng dính làm xong không teo luôn.

Tôm còn hơi nhiều nên mình vừa nấu canh vừa sốt trứng muối. Vừa hay có một bạn hàng xóm khác tặng cho trái thơm ngọt nên mình làm canh chua thơm nấu tôm luôn. Bạn này hôm trước tìm mua cây bút máy cho con bạn mà mình sẵn nhiều bút mới nên tặng bạn cây Hero 331 chưa xài. 2 hôm sau bạn mang sang tặng mình củ sắn, bầu và một trái thơm. Không đáng giá bao nhiêu (cả bút lẫn rau củ) nhưng thấy thật ấm áp giữa mùa dịch. Thấy Sài Gòn mình thật là thấy thương.

Tôm xào sơ với dầu mè và tỏi, thêm chút sa tế, rút gia vị vào đậm đà lại thêm sốt trứng muối (có thêm bơ mặn nữa) nên cực đưa cơm. Canh chua chua ngọt ngọt đỡ ngán nữa. Ăn xong đi không muốn nổi luôn ?!

Cloud No. 9