My hiding spot

Góc nhỏ để mình chui vào.

Có nhiệt độ trung bình 21 độ C và độ ẩm 60%.

Tốt nhất là bầu trời không âm u nhưng nhiều mây và không chói lóa.

Dự báo thời tiết bảo có thể sẽ mưa. Mà cho dù chưa nghe tiếng thì cũng đã hơi lất phất mưa bụi ngoài kia rồi.

Trong chỗ mình rúc vào, có nhiều màu xanh, thơm hương cây cỏ.

Có tách cà phê mới pha đắng dịu, hậu ngọt lịm.

Có chú cún nhỏ nằm lười biếng dưới chân.

Một quyển sách hay.

Một kỷ niệm vu vơ để nhớ về…

 

Nhờ dịch mà thú vui trồng cây chăm cỏ của mình đã phát triển qua giai đoạn trầm kha mới.

Giờ ở nhà ngoài chăm cún còn có hơn 300 loại cây để mà chăm. Mỗi ngày dậy ngoài cún ê a ỏm tỏi lên chào, còn có lá non ngoài vườn rung rinh đón nữa.

Nói là nói thế thôi, chứ ai đã nuôi cây và nghiện cây thì đều hiểu cảm giác cây héo, cây bệnh, cây chết. Cũng thương như cá chim bị bệnh vậy. Có khi tự trách mình dốt và vụng không “có tay” nuôi cây. Nhưng thật ra cây có vòng tuần hoàn, cũng có vòng đời riêng, và số phận riêng nữa.

Sau một thời gian làm sen cho vài trăm loại cây từ phổ thông tới quý hiếm và ráng nhét các em vào môi trường căn hộ hiện đại mình rút ra rằng: Nếu cây héo, chết, hay bệnh thì ngoài những yếu tố sinh học hóc búa mà không cách gì học hết một lần mà biết nổi, thì có vài khả năng mình sẽ nghĩ tới:

  • Cây đang bệnh, đang chết dần hay đơn giản là đang trải qua giai đoạn xuống sắc để thích nghi với môi trường mới hay mùa mới?
  • Có chắc là cây hoàn toàn chết chưa hay nếu để qua một góc em sẽ lại tự gượng dậy được?
  • Có chắc là em hợp với môi trường nhà mình không?
  • Có phải lỗi tại mình không? (Thường thì không)
  • Mình làm gì được để cứu em?

Thêm đó, sau khi xem sự bung lụa rực rỡ của các em ở môi trường tối ưu, ví dụ như gần rừng, môi trường đủ nắng ban ngày đủ ẩm đủ mát ban đêm như Bảo Lộc hay Đà Lạt, thì mình thấy sự làm sen cho các em của mình ở môi trường thành thị có phần hơi khiên cưỡng. Nhờ vậy mà mình cai nghiện được ít nhiều. Nhờ vậy mà mình không cố gồng chăm bẵm những em alocasia rất khó tính ở môi trường không tối ưu cho các em nữa. Mình đơn giản hóa chủng loại cây trong nhà và thấy họ Philodendron dễ nuôi hơn cả. Có khi héo rồi lụi đi mà cấp ẩm lại đầy đủ khoảng 1 tuần sau là lại bung lụa. Nên mình quyết định cho tới khi mình kiếm được dẻo vườn ở một môi trường tối ưu hơn để trồng kiểng lá, mình sẽ vui với những em dễ trồng dễ chăm ở đất Sài Gòn vừa nóng vừa chật này.

 

 

 

Sau thử nghiệm thú vị với Kokedama, mình vọc tiếp với những cây kiểng lá bé tí và terrarium. Terrarium là gì thì chắc dân mê cây thành thị đã quen quá rồi. Chủ yếu mình chia sẻ về trải nghiệm của mình thôi.

Mình cũng nghiên cứu sơ sơ trên mạng rồi nhảy vào làm một cách rất amateur thôi. Quá trình mình làm terrarium có vài bước chính:

  • Chọn chậu: việc này rất quan trọng vì tính thẩm mỹ của một chậu terrarium tùy thuộc vào dáng bình/chậu thủy tinh. Việc này phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích và thẩm mỹ của người trồng.
  • Phủ sỏi vào đáy chậu (để giữ lại nước và tạo độ ẩm): mình chọn loại sỏi nhuyễn cho các bình nhỏ và lớn hơn cho cách châu to. Sau vài lần làm thì mình thấy sỏi trắng tuy đẹp nhưng sẽ mau đổi màu dơ dơ, nhất là khi phủ than và đất lên trên. Sỏi đa sắc (nâu, xám, v.v.) thì nhìn khi dơ sẽ vẫn đẹp.
  • Phủ than hoạt tính lên trên lớp sỏi: để khử khuẩn và giữ không gian trong lành bên trong chậu. Mình xài loại than đã đập nhuyễn
  • Phủ đất: Đất cho terrarium mình pha giữa đất thịt, perlite và một ít phân tan chậm
  • Phủ rêu lên đất: 2 loại rêu mình thích nhất la minifiss và weeping cạn. Để tránh hao rêu thì mình có thể phủ cùng lúc với cắm cây, chỗ nào có cây thì khỏi phủ rêu.
  • Chọn lũa trang trí, cây trồng thích hợp và cắm vào bình/chậu
  • Gia cố cây bằng một số thứ sỏi trang trí
  • Sau khi đã hoàn thành mình sẽ tưới phun sương nhẹ.

Về trang trí, mình thích nét tự nhiên nên ít dùng những tượng trang trí, nhưng cái này tùy sở thích mỗi người thôi.

Để chăm sóc terrarium thì lâu lâu nên mở nắp nếu là bình kín tránh ẩm mốc. Nếu là bình hở thì sẽ phải tưới thường xuyên hơn. Do cây nào cũng cần nắng, nên nếu để trong phòng không nhiều nắng thì nên chọn những loại cây không cần nhiều nắng nhưng thính thoảng vẫn phải đem phơi.

Theo kinh nghiệm mình thấy một số loại cây sau hợp với terrarium:

  • Cỏ may mắn các loại
  • Các loại dứa và cây bán cạn
  • Dương xỉ con và lá nhuyễn
  • Các loại cây họ peperomia

Đây chỉ là kinh nghiệm của một đứa amateur như mình thôi. Một thời gian sau thì thú thật một số cây của mình bị khô, hoặc dễ bị úng chứ không được lung linh như ban đầu. Lúc này nếu muốn mình sẽ làm lại, hoặc tìm cách sắp xếp lại cho đẹp, tùy tình trạng của cây.

Theo mình thấy thì chăm terrarium không tốn thời gian nhiều nhưng cũng như tất cả mọi loại kiểng lá, cây cần tình thương và sự quan tâm. Chỉ cần mình quan tâm thì cây sẽ khỏe và đẹp 🙂

Nhân dịp lễ Phục Sinh và Sài Gòn vẫn đang trong những ngày giãn cách xã hội hạn chế dịch bệnh, mình bày ra trò nghịch đất nghịch rêu này, và thấy vui phết. Kokedama là loại hình trồng cây không cần chậu của Nhật. Cụ thể về loại hình này thì chỉ cần Google là ra. Mình cũng không thật sự làm theo hướng dẫn mà phăng theo cách riêng là chính. Nguyên liệu chính của mình gồm:

  • Đất (mình trộn đất và phân bón, thành phần cũng không quá chi li, chỉ cần một muỗng cà phê phân tan chậm cho một túi nửa kg đất mình thấy cũng ok rồi.
  • Rêu để bọc bên ngoài đất, vừa giúp gói đất, vừa thoáng và làm chất dinh dưỡng cho cây.
  • Dây buộc: mình dùng 2 loại dây là dây cước cho chắc và dây thừng cho đẹp và gia cố thêm.

Các loại cây mình thử nghiệm làm Kokedama và theo mình dễ chăm sóc gồm:

  • Một số loài dương xỉ lá nhỏ
  • Mistletoe Cactus (cây này mình không biết tên tiếng Việt)
  • Cỏ may mắn
  • Môt số cây họ đuôi công (maranta & calathea) nhỏ
  • Ngũ gia bì

Tuy vậy, còn tùy mức độ tưới của mỗi người và không gian sống nữa. Những loại cây này hợp với mình và không gian nhà mình thôi (tức không gian nhiệt đới, tương đối ít nắng, thoáng, có máy lạnh trong nhà). Những cây kể trên theo mình là dễ sau khoảng thời gian 2 tuần đến 1 tháng theo dõi chứ không phải kết luận ngay sau khi làm xong. Sau khi làm xong thì cây nào cũng đẹp hết 🙂

Ngoài để kokedama đứng một mình, mình có thử treo lên, đặt trang trí trên dĩa gốm, hoặc chén gốm, thấy đều xinh. Treo thì hơi khó tưới hơn là đặt trên dĩa hoặc chén gốm.

Cloud No. 9