Đà Lạt đi nhiều quá rồi nên cũng không còn gì xa lạ, gần như là thành phố quê hương thứ 2 của mình ở VN sau Sài Gòn rồi. Lần này mình đi cùng 3 đứa bạn thân, tuy không dài ngày nhưng cũng khám phá được nhiều thứ mới lạ trước đây mình chưa biết tới ở Đà Lạt. Vài điều mới mình cóp nhặt được từ lần thăm Đà Lạt lần này:

  • Nơi ở: Thú thật mình chưa từng ở một homestay nào thật sự thoải mái tiện nghi ở Đà Lạt. Có lẽ các bạn chủ đều còn trẻ và đối tượng cũng là khách trẻ dễ tính, nên chỉ cần chụp ảnh đẹp là xí xóa hết những lụp chụp, vụng về trong phục vụ. Mình là một đứa du lịch dễ tính, có thể lê lết du lịch bụi, ở hostel tiết kiệm mình vẫn thấy vui và vẫn vui vẻ tận hưởng sự tiện nghi của các khu nghỉ dưỡng chuyên nghiệp. Nhưng theo mình cái gì nên ra cái đó. Đã là du lịch trải nghiệm sinh thái thì nên bụi hẳn, và giá thành đi kèm mức độ tiện nghi. Còn đã là một homestay thì nên ấm cúng, tiện nghi dù không mấy chuyện nghiệp. Hoặc nếu đã xác định là một resort sinh thái thì vẻ ngoài tự nhiên mộc mạc nên đi đôi với sự chăm chút, trải nghiệm của khách thăm (đặc biệt là khi charge giá thành của một resort, boutique hotel chuyên nghiệp). Có lẽ mình thiếu duyên nên những homestay mình ở khi đến Đà Lạt toàn là nhập nhằng ấm cúng không ra ấm cúng, eco không ra eco, resort không ra resort. Các bạn chỉ cần cho khách các góc chụp hình sống ảo nhìn như pinterest nhưng những thứ tiện nghi tối giản như phòng phải ấm, sạch sẽ, các dụng cụ cá nhân đầy đủ đểu chệch choạc. Thế nên sau một đêm trải nghiệm không gian và sự tiện nghi chất lượng rất “lều” với ốc sên và gián trong phòng ở một homestay có giá ngang boutique hotel trên triền đồi tuyệt đẹp thì mình phải đổi sang khách sạn để ở một cách thoải mái hơn ngày hôm sau. Homestay này không tiện nói tên, chỉ biết rằng sau khi ở đây mình tự nhủ lần sau mình đến Đà Lạt mà ở homestay thì chắc mình sẽ ở homestay… của mình tự lập!
  • Thời điểm: Có lẽ do mình xui vì đi cuối tuần cuối cùng của kỳ nghỉ nên Đà Lạt đông đến phát hoảng. Cũng vì vậy mà bọn mình thuê xe máy chạy ra ngoài trung tâm, ra khu đèo Tà Nung và Mê Linh chứ không lẩn quẩn ở trung tâm Đà Lạt. Nhờ đó mà phát hiện ra những triền đồi rất đẹp của khu Tà Nung, và đến Nam Ban, một thi trấn khá đông đúc ở gần đó.
  • Các quán cafe mới mở ở Đà Lạt cũng nhiều và đủ cung bậc, lần nào lên cũng có những quán mới để thử, quán nào cũng có cái riêng.
  • Phát hiện ra ở Đà Lạt với không khí và nguồn nguyên liệu tươi ngon đến thế nhưng không có nhiều lựa chọn món Tây ngon. Ngay cả các món Việt đình đám ở đây thì thật lòng mà nói, có thật sự ngon không hay vì không khí lành lạnh và tâm lý nghỉ dưỡng làm cho ai nấy cũng thấy ngon?

Tóm lại, là một chuyến đi vui và đáng nhớ, nhưng cần thêm nữa các món ngon và homestay thực sự ấm cúng, tinh tế cho cái đẹp mơ màng của Đà Lạt!

Một buổi sáng ở Seoul mình ra khu làng Bukchon đi dạo. Khi taxi đi ngang một khu chợ gần một công viên xinh xinh mình thấy khá thú vị. Nên sau khi đi một vòng làng du lịch rồi, mình quay lại đây để đi dạo.

Mặc dù khu chợ Gwangjang thì không quá nổi tiếng với khách du lịch, mình cũng không hề biết trước, nhưng hóa ra nó lại là khu chợ mình thích nhất trong suốt cả chuyến đi. Về kích thước thì chắc nó lớn hơn chợ Bến Thành của Sài Gòn một tí, buôn bán đủ mọi loại hàng hóa từ thực phẩm, vải vóc, quần áo may sẵn, cho đến các vật dụng trong nhà. Các bà con tiểu thương của khu này đa số đều là người Hàn và không biết nói tiếng Anh nhưng họ thân thiện, hiếu khách và cũng không nói thách nên mua bán rất dễ chịu. Ở đây mình mua được vài bộ muỗng đũa kim loại rất đẹp và một số quà vặt cho người thân khi về Việt Nam. Tết là mình cũng không có duyên và hành lý đủ để mua thêm vải và một số quần áo ở đây, vì vậy Hàn Quốc trong khu chợ này bán khá rẻ, giá cả phải chăng, và lại rất đa dạng.

Đi vòng vòng một hồi thì mình thấy rất đói bụng nhìn vòng qua khu ẩm thực. Khu này cũng bán các món rất phổ biến, truyền thống của Hàn nhưng mình dừng trước một tiệm đông hơn hẳn các tiệm chung quanh. Nhìn lại thì ra đây là một tiệm mì suối cảo rất nổi tiếng đã từng lên chương trình của SS. Do vậy khách du lịch đến tiệm cũng đông hơn hẳn. Mình xếp hàng khoảng năm phút thì được xếp vào ngồi ăn. Sủi cảo ở đây ngon thật, lại có thêm kim chi ăn kem rất ngon. Cảm giác của món mì sủi cảo hoành thánh này thành hơn món này của người Hoa, nước lèo cũng nhẹ nhàng hơn. Cô chủ quán rất thân thiện dễ thương, lại hay làm dáng tạo hình cho các bạn khách du lịch chụp hình rất vui vẻ. Tuy mì ở đây có ngon thật, nhưng sau khi ăn xong nhìn sang các hàng quán bên cạnh mình cảm thấy hơi cảm cảnh cho họ. Hàng quán xung quanh cũng bán cùng một món mì, có lẽ cũng ngon không kém nhưng họ vắng hơn hẳn. Khách của họ có lẽ đa số là khách quen, địa phương, không quan tâm tới những thứ như quảng bá và du lịch.

Ngoài món mì làm tay nổi tiếng thì những hàng quán xung quanh khu ẩm thực còn có rất nhiều món hấp dẫn nhưng bụng mình đã no căng không thể ăn thêm nổi nữa. Khi nào có dịp quay lại Seoul chắc chắn mình sẽ lại ghé khu chợ và lại ghé thăm các hàng quán thơm nức để thử cho bằng hết!

Trong một lần đi lạc do cứ để bus đi tới đâu thì tới ở Seoul, mình vô tình đi vào một khu phố nhỏ nhưng dễ thương ở giữa lòng thành phố.

Khu này gần như không có khách du lịch. Lúc khoảng hơn 08.30 tối, khu phố khá đông những người đi chợ đêm, những người công sở đi làm về trễ. Lúc này mình cũng đã đi bộ cả ngày trời rồi, khá mệt, nên thèm một món gì vừa ấm nóng, vừa đậm vị. Hên sao gặp ngay một quán mì bên đường. Mình chẳng nhìn biển hiệu gì đâu, cứ vào gọi đại thôi. Mình ăn một món mì sủi cảo có vừa mì sợi vừa sủi cảo lại có sốt ớt cay cay, giữa trời lạnh cuối thu đầu đông có 2 độ C cảm thấy rất đã.

Ăn xong đi ra ngoài mới biết quán này cũng khá đình đám, lên chương trình truyền hình này nọ. Cái mình thích của những quán mì Hàn Quốc là thường họ luôn cho nước uống miễn phí và những món ăn kèm cho đỡ ngán. So với phở Việt Nam và một số món mì Nhật hay mì Hoa khác thì mình vẫn thấy không ngon bằng, nhưng giữa trời lạnh lại còn vô tình vào được quán mì ngon thì thật không thích gì bằng, coi như cũng là một cái duyên của một ngày du lịch!

Thay vì làm một phim ngắn hay chụp ảnh cưới, bọn mình cộng tác cùng Tú Nguyễn Wedding làm một phim ngắn có cốt truyện hơi giả tưởng, bối cảnh cận tận thế.

Phim được quay tại Singapore, Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Thiết. Đây đều là những nơi thân thuộc của bọn mình, lưu giữ lại những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ lẫn thành thị náo nhiệt, cũng là 2 mảng đối lập trong cuộc sống của bọn mình.

Quá trình quay phim cũng thật đáng nhớ. Chỉ có 4 đứa gồm 2 vợ chồng mình, bạn đạo diễn Anh Tú Nguyễn và bạn Vân, một người bạn thân thời đại học giúp bọn mình chụp ảnh hậu kỳ. Xoay sở với không nhiều đồ nghề, cơ sở vật chất lẫn ngân sách eo hẹp nhưng bọn mình vẫn rất vui vì thành quả không chỉ có đoạn phim làm được mà còn vì trải nghiệm cùng nhau trong suốt chuyến đi.

https://www.youtube.com/watch?v=Z95kFYVyGUI

Và đây là bộ ảnh được trích ra từ phim, qua lăng kính trầm lắng nhiều cảm xúc của đạo diễn Anh Tú Nguyễn.

Đã lâu lắm rồi Nó lười chẳng viết lách gì…

Đã qua nhiều tháng cắm đầu cày bừa, cuối cùng mới có dịp nghỉ xả hơi cả tháng cuối năm, Nó lại nhớ ra cái blog lâu nay đóng mạng nhện.

Nhân dịp khó ngủ trên chuyến bus đêm 10 tiếng từ Zurich về Paris, Nó lại lẹt quẹt vài dòng vậy…

Đã 2 tuần từ hôm Nó xách va ly rời Paris đi Stuttgart, rồi lang thang từ đó sang Prague, từ Prague sang Vienna, rồi từ Vienna sang Slovakia, Budapest, rồi lại từ Budapest cắm đầu sang Florence, Milan rồi gần đây nhất là Zurich.

Mèn, đi gì mà dữ vậy!??!

Vườn Sempione, Milan.

Tại sao hả? Không biết nữa? Người ta khi nghĩ đến du lịch, chắc sẽ nghĩ đến chuyện nằm dài bãi biển nghỉ ngơi, còn không thì chui vô resort tắm nắng. Du lịch xả hơi và du lịch lười, Nó cũng thích lắm. Nó vẫn đi xả hơi, vẫn lười mọi lúc có thể. Nhưng chả hiểu sau khi có được một kỳ nghỉ nhiều ngày và có dịp để đi, Nó lại hăm hở, tràn trề năng lượng để du lịch hành xác, du lịch bụi, du lịch chạy giặc, du lịch lê la. Và lôi thôi lếch thếch hả, dĩ nhiên rồi. Mệt hả? Còn phải hỏi! Tốn kém hả? Thôi không dám nghĩ tới để bị stress. Nhưng sau cùng thì những chuyến du lịch bụi lê la đó luôn để lại những niềm vui, ký ức quý khôn tả. Cũng vì vậy mà phải có cái blog này viết lại để khỏi quên đó thôi.

Hình như Nó bắt đầu có cái thú này từ hồi sống một mình ở Anh. Dạo đó đi làm, lâu lâu mới có dịp nghỉ lễ. Vì ham đi chơi nên Nó hay gom lại nghỉ mỗi đợt dài dài ngày, rồi cứ vậy mà tranh thủ đi, lê la hết xóm này qua làng nọ. Năng lượng tích tụ từ đâu không biết, những ngày du lịch đó cứ sáng tờ mờ là tỉnh hẳn, ních căng một bụng cho no rồi lên đường lê la đến tận cuối ngày. Về tới nhà trọ là cũng vừa hết pin. Cũng nhờ vậy, ở từ nhà trọ giá rẻ, hostel nằm xếp cá mòi hay khách sạn ấm cúng Nó đều ngủ ngon, thằng cảng!

Nói về dài ngày thì chắc đợt này Nó đi dài ngày nhất. Có những ngày gần như mỗi ngày ở một nơi. Nghe thì thấy ít ỏi lắm. 1 ngày thì biết được gì! Ít thật. Để hiểu và thích được một nơi, nhiều khi đến ở cả đời chưa chắn đã hiểu nổi. Nhưng cũng lạ, có những nơi vừa đến đã thích ngay và biết thế nào cũng sẽ quay lại cho một kỳ nghỉ dài hơn!

Cũng nhờ tận dụng tối đa thời gian có được nên đôi khi 4-5 giờ đồng hồ trở thành một tour thành phố có vẻ dài lắm. Mà cũng chẳng hề gấp gáp gì cả. Cứ đi, lang thang từ những chỗ nhộn nhạo khách du lịch chụp hình cho đến những góc phố yên tĩnh không nguời. Nó chẳng tìm hiểu trước những nơi đi qua có gì để đi đâu. Cứ đến đi, rồi thể nào cũng sẽ tìm thấy nhiều thứ hay ho thú vị. Chuá nói gì nhỉ “Cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ thì sẽ mở cho!”

Cũng có những ngày, cái chân què của Nó (ờ, Nó có một chân hơi… què) đau đến mức muốn khuỵu, balô xách xệ cả vai, Nó đã nghĩ “oải quá thôi mai về… quách!”. Vậy mà ăn một bữa tối ngon, ngủ thằng một giấc đến sáng hôm sau, tới một nơi nào mới lài thấy… tràn trể trở lại. Bởi mới nói “ăn được ngủ được là tiên” thật không gì đúng bằng!

Đi lang thang nghĩ cũng cực đó, tiết kiệm mấy thì cũng hao đó, lên lịch trình thấy có vẻ gấp đó. Nhưng mà ngày hình như dài hơn nhiều lắm, sức cũng ở đâu mà ra nhiều lắm. Tiền bạc thì bữa đói bữa no, miễn được ăn là hạnh phúc! Ở hiền gặp lành, đi đó đây Nó hay được người ta giúp, gặp chú nhà cũng toàn hiền lành tốt bụng. Nếu vô tình gặp chuyện, thì tự chọn đi du lịch mà, có lúc này lúc kia. Mà rồi thì gì cũng xong xuôi, vẫn an toàn lê lết về nhà nghỉ ngơi, rồi lại cày bừa để còn lang thang tiếp.

Đi, để thấy thế giới rộng lớn nhưng đâu cũng là nhà

Đi, để thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc vì được sống, được đi, và tìm được điều hay mà cảm nhận.

Đi, để thấy con ngưòi phong phú, đa dạng, trăm ngàn sắc thái giữa trắng và đen, giữa hiền lành và giảo quyệt

Đi, để ra khỏi cái vũng an toàn của cả thể xác và tinh thần, để thấy mình nhỏ bé, nhưng luôn thuộc vế một khối chung rộng lớn, vĩ đại không thể gọi tên

Đi, để thấy lòng rộng mở

Đi, để thấy đời mênh mông

 

 

Nhân dịp Nó cùng vài người bạn thân lâu năm xách ba lô vào rừng Madagui cắm trại, Nó lại nhớ rừng.


Nó luôn thích rừng hơn biển. Biển bao la và rộng lớn chiều ngang, giang tay ôm tất cả vào lòng. Còn rừng núi, nhiều sắc độ và tầng lớp, vươn lên và rộng mở theo tất cả mọi chiều.
Mỗi khi muốn đi chơi, Nó lại hay nghĩ tới rừng. Rừng có núi, có cây, có chim muông, có nhiều sắc xanh trùng điệp luôn luôn mới lạ, luôn ban tặng nhiều điều kỳ thú trong mỗi góc khuất, tán cây. Khi còn ở Edinburgh, Nó hay đi vòng qua đằng sau nhà, nơi có Braid Hill trải dài để đi vào khoảng rừng hermitage. Con đường dẫn vào hermitage thô sơ và nhiều cây như dẫn vào cổ tích. Bên trái, Braid Hill thật hiền hoà, lấm tấm trắng chấm bi của những đàn cừu và màu hoa vàng. Đường bên trong rậm rì cây, quanh co và thơm ngát mùi cỏ lá. Đi một lúc thì lại có một quán nhỏ để dừng chân uống café. Chỉ có ở Edinburgh người ta mới có loại công viên như thế!

Rừng Madagui cũng nhiều sắc xanh, ẩm ướt, và nhiều loại cây lá kỳ thú. Tuy tất cả nằm trong một khu du lịch lớn, nhưng vẫn còn giữ được nét hoang sơ, tự nhiên của rừng. Có tre, có cây ăn trái, hoa rừng ở mỗi góc đi dạo. Nó thức dậy vì tiếng suối reo bên ngoài lều và tiếng chim buổi sớm. Khi nhìn đâu cũng được cỏ và cây xanh làm nền, da người trông hồng hào hơn rất nhiều. Nó thấy các bạn và mọi người đều rạng rỡ, thầm nghĩ cuộc sống chẳng thể nào đẹp hơn!

Nhân trong tâm trạng cảm kích, tạ ơn thoát chết sau động đất ở Nepal, Nó nhớ đến hồi đến viếng tạ ơn ở Lourdes.

Lúc đó vừa đến Pháp chưa lâu, còn đang lâng lâng tâm trạng vui sướng được đoàn tụ, được chu du, và hy vọng vào nhiều điều tốt đẹp sẽ còn dần dần tới.

“The best is yet to come” – Nó nhủ thầm.

Nó tới Lourdes (hay còn gọi là Lộ Đức) một ngày mùa thu mưa dầm dề tháng 8. Lourdes không thật gần những thành phố lớn, đi lại nói chung là bất tiện. Cũng may mắn, lần đó nhân một lần đi ăn đám cưới ở Paul, thị trấn gần đó, Nó và Nó anh được 2 vợ chồng chị ca sĩ Lệ Quyên cho quá giang đến Lourdes. Trời lạnh và ẩm ướt, nhưng Nó thầm cảm ơn thời tiết, vì cái nhà thờ tráng lệ, phô trương nổi danh có nhiều trò buôn thần bán thánh, trong trời mưa phùn mùa thu, vẫn giữ được linh thiêng, trầm lắng.

Có rất nhiều người bệnh tật đến cùng lúc với Cáo. Có những đứa trẻ thiểu năng, những người khuyết tật. Họ đi với những người thân đã cạn kiệt niềm tin vào y học và kỹ nghệ. Lòng tin vào phép lạ của con người kinh điển mà hiệu quả. Phép lạ chữa lành của Lourdes, hay nước thánh mang về từ đây nổi tiếng khắp thế giới không phải do vô tình.

Nước thánh Lourdes ngọt và trong lành, do hiệu ứng sau mưa, hoặc do năng lượng của đất mẹ nơi đó quả thật có tác dụng chữa lành. Nó uống lấy uống để, bất chấp trời mưa lành lành và nước cũng lạnh.

Nó uống trong sự cảm kích, biết ơn của một đứa lớn lên trong cộng đồng Công Giáo bảo thủ, trong tình yêu đất trời, yêu Chúa, và hy vọng vào những điều tốt đẹp lần lượt sắp đến trong tương lai.

“The best is yet to come…”

Kathmandu sau động đất

Gần 4 giờ, xe đi vảo cửa ngõ Kathmandu. Nhà cửa hoang tàn, tất cả các cửa tiệm đều đóng cửa, mọi người đều tập trung ở những khoảng đất trống trong công viên, công trình công cộng. Đến cửa ngõ, chúng tôi xuống xe, chia ra 3 nhóm. Một nhóm ra thằng sân bay, một nhóm về Thamel, và một nhóm đến đại sứ quán. 2 đứa tôi được thông báo đã liên lạc được với khách sạn nơi chúng tôi ở. 3 nhân viên của resort đưa chúng tôi về tận trung tâm quận Thamel rồi quay về văn phòng. Đứng đợi chưa được 15 phút giữa phố phường Thamel đang hỗn loại, tôi nhìn thấy từ xa bóng anh hướng dẫn viên Prem hớt hải chạy lại. Chúng tôi ôm lâý nhau mừng rỡ. Vậy là lo lắng lớn trong chúng tôi những ngày qua đã cất đi được hơn phân nửa. Prem bảo tư trang của chúng tôi tại khách sạn vẫn bình an. 2 bạn tôi từ Việt Nam vừa đáp cánh đến Kathmandu cách đó chưa lâu, đang trên đường từ sân bay đến.

5 phút sau, taxi đưa cô bạn thân của tôi tới cùng 2 người bạn nữa. Không gì vui bằng gặp lại họ, biết họ vẫn bình an. Suốt từ sáng sớm 26 tháng 4, họ đã bay suốt từ Việt Nam sang Kualar Lumpur, từ Kualar Lumpur đến Bangladesh, Dahka, rồi bay đi bay lại Dahka – Kathmandu đến sáng nay mới hạ cánh, cùng một đoàn cứu trợ chữ thập đỏ. Trong suốt thời gian lê la hết sân bay này đến sân bay khác, bạn tôi đã cùng gia đình tìm đủ mọi cách liên lạc, kiếm thông tin tìm chúng tôi. Mãi đến hôm trước đó, nhờ một nguời từ trại chúng tôi đi về thông báo trên facebook rằng mọi người vẫn an toàn, người nhà chúng tôi mới phần nào được yên lòng.

Chúng tôi về lại khu trung tâm Thamel tìm khách sạn. Hầu hết các khách sạn nhỏ đều cúp nước và internet. Tất cả các shop lớn nhỏ tại quận trung tâm đều đóng cửa. Không khí chết chóc tuy không nặng nề nhưng mùi của thảm hoạ thì lan toả đến từng ngóc ngách. Đến khách sạn nơi chúng tôi ở đêm đó, tuy lớn và chắc chắn nhất quận Thamel, cũng tim thấy trên tường nhiều vết nứt rạn do cơn dư chấn.

29/4/2015

Người đi và người ở lại

Suốt tối hôm đó và sáng hôm sau, chúng tôi tìm cách liên hệ, tìm chuyến bay quay về Singapore, nơi 2 đứa đang sinh sống và làm việc. Theo tin của nhiều nguồn báo lại cho gia đình chúng tôi, chỉ cần chúng tôi ra đến sân bay sẽ có lực lượng của chính phủ Singapore đưa về. Đêm đó, tôi được tắm sau hơn 80 giờ lê lết, trăn trở với thiên nhiên, đất trời Nepal.

Sắc màu Nepal

Trước khi chợp mắt ngủ trên chiếc giường êm ái ở khách sạn, tôi không khỏi nghĩ đến gương mặt đã thôi tươi cười của Bee Pool trước lúc chúng tôi đi. Nó nói giọng nghèn nghẹn “Mọi cứu trợ sẽ ưu tiên cứu tụi mày, vì mày là khách du lịch. Đừng quên tụi tao. Nhớ đừng quên tụi tao…”  Chúng tôi, nếu sống sót, chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ về với quê hương, với gia đình và những mái nhà yên ấm. Những người dân điạ phương vừa mất nhà, mất người thân còn ở lại giữa cao nguyên hoang tàn, khi nào lực lượng cứu trợ sẽ đến với họ?

Sáng hôm sau, chúng tôi định sẽ đến viếng một vài đền chùa trước khi ra sân bay, nhưng gần như nơi nào cũng đóng cửa. Một vài đền thờ cổ bị hư hại nặng nề. Đa số dân điạ phương đều đã cùng nhau ra tập trung nơi những khoảng đất, quảng trường lớn. “Vùng đất của di sản” chào đón chúng tôi vài ngày trước giờ nhìn đâu cũng chỉ thấy điêu tàn, đổ nát, và tang thương len vào từng góc phố.

Gần 3 giờ chiều, chúng tôi ra đến sân bay, tìm theo chỉ dẫn đến đội cứu nạn Singapore. Theo tin báo chí làm rùm beng vài ngày trước thì Singapore đã cử máy bay quân sự đến Nepal để đưa gần 100 công dân và cư dân thường trú về nước. Nhưng đến hôm nay, chỉ còn 10 người còn lại, họ chỉ có thể giúp chúng tôi liên lạc với các hãng hàng không để chúng tôi tự mua vé khác nếu có. Vậy là chúng tôi phải quay ngược lại Kathmandu. Suốt chiều và tối hôm đó, tôi liên lạc với hãng bảo hiểm để nhờ họ giúp tìm vé máy bay. Với mạng internet chập chờn khi được khi mất, hy vọng từ phía họ cũng khá mong manh.

Tối hôm đó, sau khi về lại khách sạn, tôi thức đến 5 giờ sáng vừa đợi thông tin từ bên phía bảo hiểm, vừa viết lại hành trình trong những ngày vừa qua. Gần sáng, khi mắt tôi đã nặng trĩu và đầu óc lùng bùng, bên bảo hiểm cuối cùng cũng liên lạc lại, báo đã tìm được cho chúng tôi chuyến bay vào hôm sau.

Lục lại những tấm hình, video đã ghi lại sự kiện vài ngày trước đó, tôi vẫn chưa khỏi bàng hoàg. Vài ngày vừa qua với hơn 80 giờ hoàn toàn mất liên lạc giữa 2 bờ vực cao nguyên Nepal đang sạt lở, dường như dài không đo được. Tôi nhớ lại lời thằng bạn cùng xây lều người Ấn Độ trong lúc thiếp đi: “Theo đạo Hindu thì sau khi sống sót, tụi mình được hồi sinh một kiếp mới. Vậy giờ tụi mình đều sinh cùng ngày, và cùng là anh chị em”.

30/4/2015

Nguyện cầu cho Nepal

 

Taxi đưa chúng tôi ra sân bay khá sớm cho kịp chuyến bay lúc giữa trưa. Sân bay đông nghịt người nhưng vẫn tương đối trật tự. Chó hoang thất thểu chạy đầy sân bay, du khách mọi quốc tịch tập trung lại thành nhiều nhóm. Theo một vài nguồn thông tin, chúng tôi nghe nói cứu trợ từ các nước càng lúc càng khó đến Nepal, vì toàn bộ sân bay nhỏ bé của Kathmandu đang phải hoạt động tích cực để đưa du khách ra ngoài. Sinh mạng con người trân quý như nhau, nhưng khi thiên tai ập đến, những người dân hồn hậu, khó nghèo của Nepal lại mất quyền ưu tiên ngay trên quê hương của chính mình.

Tại sân bay có khá nhiều người nước ngoài ngồi xin viện trợ, thuốc men để mang đến cho dân địa phương, nhưng họ không ngừng bị làm khó dễ từ phía quản lý sân bay. Riêng chuyến bay của chúng tôi bị hoãn suốt 5 giờ mới được cất cánh.



Sân bay Kathmandu sáng 30/4





Khi đã an toàn ngồi trên ghế máy bay, cất cánh bay ngang qua đỉnh Everest trông ngang tầm, thật gần như vừa trong tầm với, tôi bỗng nhớ da diết màu xanh rì của cao nguyên những ngày trước. 

   

Giữa ngàn mây trắng, những đỉnh của dãy Himalaya vươn cao, trùng trùng hoà lẫn vào mây trên nền trời xanh thẳm. Tôi nhớ đến bầu trời xanh dịu nắng của Nepal. Thiên nhiên Nepal sẽ vẫn vậy, vẫn giàu có, phì nhiêu và đa dạng sắc màu. Động đất có là gì với thiên nhiên? Chằng qua chỉ là một cơn dịch chuyển điạ tầng, một cơn trở mình của đất. Nhưng con người và những di tích văn hoá của Nepal, khi nào mới gượng dậy hoàn toàn? Trong sự bình an và sự mong mỏi được về nhà, tôi lại thấy thấp thoáng đâu đó màu sắc rực rỡ của những dải cờ dây ngũ sắc trên bầu trời Kathmandu, bình yên phất phơ trong gió như thì thầm nhắc nhở:

“Nguyện cầu cho Nepal. Nguyện cầu cho Nepal…”

Hết.

Cloud No. 9