Thay vì làm một phim ngắn hay chụp ảnh cưới, bọn mình cộng tác cùng Tú Nguyễn Wedding làm một phim ngắn có cốt truyện hơi giả tưởng, bối cảnh cận tận thế.

Phim được quay tại Singapore, Sài Gòn, Đà Lạt, Phan Thiết. Đây đều là những nơi thân thuộc của bọn mình, lưu giữ lại những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ lẫn thành thị náo nhiệt, cũng là 2 mảng đối lập trong cuộc sống của bọn mình.

Quá trình quay phim cũng thật đáng nhớ. Chỉ có 4 đứa gồm 2 vợ chồng mình, bạn đạo diễn Anh Tú Nguyễn và bạn Vân, một người bạn thân thời đại học giúp bọn mình chụp ảnh hậu kỳ. Xoay sở với không nhiều đồ nghề, cơ sở vật chất lẫn ngân sách eo hẹp nhưng bọn mình vẫn rất vui vì thành quả không chỉ có đoạn phim làm được mà còn vì trải nghiệm cùng nhau trong suốt chuyến đi.

https://www.youtube.com/watch?v=Z95kFYVyGUI

Và đây là bộ ảnh được trích ra từ phim, qua lăng kính trầm lắng nhiều cảm xúc của đạo diễn Anh Tú Nguyễn.

Nhân trong tâm trạng cảm kích, tạ ơn thoát chết sau động đất ở Nepal, Nó nhớ đến hồi đến viếng tạ ơn ở Lourdes.

Lúc đó vừa đến Pháp chưa lâu, còn đang lâng lâng tâm trạng vui sướng được đoàn tụ, được chu du, và hy vọng vào nhiều điều tốt đẹp sẽ còn dần dần tới.

“The best is yet to come” – Nó nhủ thầm.

Nó tới Lourdes (hay còn gọi là Lộ Đức) một ngày mùa thu mưa dầm dề tháng 8. Lourdes không thật gần những thành phố lớn, đi lại nói chung là bất tiện. Cũng may mắn, lần đó nhân một lần đi ăn đám cưới ở Paul, thị trấn gần đó, Nó và Nó anh được 2 vợ chồng chị ca sĩ Lệ Quyên cho quá giang đến Lourdes. Trời lạnh và ẩm ướt, nhưng Nó thầm cảm ơn thời tiết, vì cái nhà thờ tráng lệ, phô trương nổi danh có nhiều trò buôn thần bán thánh, trong trời mưa phùn mùa thu, vẫn giữ được linh thiêng, trầm lắng.

Có rất nhiều người bệnh tật đến cùng lúc với Cáo. Có những đứa trẻ thiểu năng, những người khuyết tật. Họ đi với những người thân đã cạn kiệt niềm tin vào y học và kỹ nghệ. Lòng tin vào phép lạ của con người kinh điển mà hiệu quả. Phép lạ chữa lành của Lourdes, hay nước thánh mang về từ đây nổi tiếng khắp thế giới không phải do vô tình.

Nước thánh Lourdes ngọt và trong lành, do hiệu ứng sau mưa, hoặc do năng lượng của đất mẹ nơi đó quả thật có tác dụng chữa lành. Nó uống lấy uống để, bất chấp trời mưa lành lành và nước cũng lạnh.

Nó uống trong sự cảm kích, biết ơn của một đứa lớn lên trong cộng đồng Công Giáo bảo thủ, trong tình yêu đất trời, yêu Chúa, và hy vọng vào những điều tốt đẹp lần lượt sắp đến trong tương lai.

“The best is yet to come…”

Lần đầu nó đến London, trú tạm ở quận Waterloo.

London không mơ mộng, tráng lệ như Paris, không đầy văn hoá như Edinburgh. Nhưng vừa đến London, nó thấy như được về nhà, bởi không khí nhộn nhịp, thân thiện, một năng lượng cởi mở tựa như Sài Gòn.

 

Từ chỗ nó trú ra bờ sông Thames rất gần. Từ bờ quận Waterloo nhìn ra là tháp Big Ben và quận Westminster và tọa thị chính. Sông Thames, nói hết sức thật lòng, không có gì là đẹp và đặc biệt. So với sông Seine lãng mạn của Paris thì sông Thames vừa đục, vừa dơ, vừa chán phèo. Nhưng người ta không nhớ đến Thames vì nó đẹp, mà vì những cây cầu lịch sử bắc qua nó, vì cạnh nó là tháp Big Ben, vì những luồng năng lượng dồi dào chảy qua lòng London, đổ vào lòng sông, làm nó thành đặc biệt. Nếu Seine là dải lụa mềm mại xinh đẹp vắt ngang Paris, thì Thames là xương sống vững chãi, đầy sức sống của London.

 

 

Có lẽ London đẹp nhất khi nhìn từ phía Waterloo. Tuy không thật hào nhóang và rộn rịp, Waterloo tựa một bệ quan sát, nhìn sang quận Westminster xinh đẹp, hoành tráng, luôn rực rỡ đèn màu. Suốt thời gian ở đây, ngày nào Nó cũng một mình lang thang dọc các con phố dài của Waterloo, đi băng qua cầu ngắm Big Ben rồi dọc theo Westminster ngang qua White Hall đến khu West End nhộn nhịp. Lang thang một mình ở Paris, Nó hay thấy chút chạnh lòng, có cảm giác cô độc, hơi âu sầu. Nó chưa bao giờ thấy cô độc ở London. Dường như nhịp sống nhanh tựa như Sài Gòn làm cho Nó thấy thân quen và tinh thần luôn được động viên, phấn chấn. Hoàng hôn u ám của thời tiết Anh quốc không át được những luồng đèn điện dần sáng lên và sức sống từ những dòng người tứ xứ.

 

Hoàng hôn London, hoàng hôn Waterloo dồi dào một nguồn sức sống thành thị và thân thiết, bao bọc lấy Nó như ở nhà, kêu gọi ra ngoài dạo phố lang thang, gọi Nó vào phố Tàu ăn tối, sang West End xem kịch, đến Hamleys xem đồ chơi, rảo bước dọc Regent street xem phố phường. Rồi khi chân mỏi, mắt chùng, Waterloo nằm bên bờ kia, yên tĩnh gọi về chờ một đêm ngon giấc.

 

“Lành lạnh,se se buổi chiều sang tối, hoàng hôn Waterloo tuyệt vời.”

“Dirty old river, must you keep rolling, rolling into the night
People so busy, make me feel dizzy, taxi light shines so bright
But I don’t, need no friends
As long as I gaze on Waterloo Sunset, I am in paradise
Every day I look at the world from my window
But chilly, chilly is the evening time, Waterloo sunset’s fine.”
 
Waterloo Sunset (by The Kinks)

Hồi nhỏ, cứ khoảng 7h kém tối lúc sắp bắt đầu chương trình ‘Những bông hoa nhỏ’, Nó phải đi tắm cho thật lẹ, để còn kịp coi cho được 5-10 phút hoạt hình lúc 7h. Cinderella nè, Công Chúa ngủ trong rừng nè, Peter Pan nè… Nhưng bộ làm nó nhớ nhất là Alice. Nhớ vì nó kỳ thú, lạ lùng, rờn rợn,. Vì Alice là một đứa cũng như Cáo, một mình lang thang tò mò. Nó không phản kháng, nhưng cũng không nghe lời người lớn, và không rõ nó đang nghĩ gì. Người lớn thích nhìn nó, nhưng không cưng nó được vì chả hiểu nó đang nghĩ gì.
Nhân dịp lễ Phục Sinh vài năm trước, Nó đến Oxford. Nơi nó tò mò nhất không gì khác, chính là con kênh của Alice.


Ai cũng biết Alice lạc vào xứ thần tiên là chuyện gì, nhờ ơn Disney và bộ phim làm ông gần như phá sản, nhờ ơn Mary Blair (thần tượng màu sắc của Cáo), người design cho hình ảnh, màu sắc của phim, nhờ nội dung quá giàu tưởng tượng, vừa lý thú vừa lạ lùng, đúng như một giấc mơ khiến ta ngây ngây ngu ngu khi chợt tỉnh dậy. Nhưng hiếm ai biết bộ hoạt hình ăn khách toàn cầu và vượt không gian thời gian đã ra đời ở một nơi rất bình dị từ một con người thầm lặng. Thế giới thần tiên mà Alice lọt xuống từ cửa hang thỏ đã được vẽ ra từ một câu chuyện vu vơ giải khuây, được kể một chiều hè nhành rỗi, trên một chiếc thuyền con xuôi dòng kênh bé tí ở Oxford.
Mặc dù bộ hoạt hình Alice đi khắp toàn cầu, ai cũng nhớ Disney, mà không nhiều người quan tâm đến tác giả thật của nó. Lewis Caroll là bút danh của Charles Dodgson, một giáo sư toán học của Oxford, sống khoảng nửa đến cuối thế kỷ 19. Sống thầm lặng trong khuôn viên đại học, ông hay lui tới nhà hiệu trưởng Oxford lúc đó và trở thành người bạn thân của ba cô con gái nhỏ của hiệu trưởng Lindell. Trong đó, ông thân nhất với Alice Liddell, và thường đi theo gia đình những lúc dạo chơi, dã ngoại. Một ngày hè đẹp trời, ông cùng dạo thuyền với gia đình Liddell vòng quanh Christ Church university và duôi dòng kênh be bé yên lặng ngay sau lưng trường đại học. Trên thuyền, để giải trí cho 3 bé gái, ông kể một câu chuyện vu vơ về cô bé Alice lạc vào thế giới thần tiên. Sau khi về nhà chiều hôm đó, ông viết lại chuyện kể trên thuyền và tạo ra một trong những tác phẩm lớn nhất cho thiếu nhi.

Minh họa “Alice lạc vào xứ thần tiên” của Sir. John Tenniel. 1865

 

Được sáng tác và phát hành ngay giữa thời Victorian, hoàng kim của sách thiếu nhi có hình, Alice được John Tenniel minh hoạ. Từ sau đó, Alice đối với sách thiếu nhi cũng trở nên kinh điển như Swan Lake của ballet. Hoạ sỹ bao thời đại và quốc gia không ngừng đào lại Alice để minh hoạ, và độc giả khắp thế giới cũng không bao giờ chán đọc lại Alice với vô số phiên bản được sản xuất ra hàng năm dưới đủ mọi hình thức.

Trở lại chuyện vị giáo sư Toán tại Oxford. Bất chấp sự ầm ĩ của tác phẩm Alice lạc vào xứ thần tiên, Charles Dodgson tiếp tục cuộc sống gần như ẩn dật tại Oxford. Ông ít tiếp xúc, ít khách đến nhà, và hoàn toàn dị ứng với việc bạn bè, người thân nhắc đến bút danh Lewis Caroll cũng như những tác phẩm văn chương. Alice tiếp tục là bạn ông, đến khi bà lớn và lập gia đình. Theo lời đồn, sau hôn lễ, Charles gửi tặng bà một tập sách viết tay dành riêng cho bà, nhưng bị từ chối. Họ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông bị nhiều điều tiếng, gán tội quấy rối tình dục trẻ em, do cảm hứng và sự tiếp xúc nhiều đặc biệt của ông với các bé gái vị thành niên. Không đính chính hay thanh minh, Charles Dodgson sống kín tiếng cho đến khi ông qua đời. Mối quan hệ giữa Alice Liddell và Charles Dodgson được xem là một trong những ví dụ điển hình nhất giữa người nghệ sỹ và ‘nàng thơ’ cảm hứng, ám ảnh, thách thức dư luận.

 

Dù sự thật quan hệ đó ra sao, người nghệ sỹ đó tư cách ra sao đi nữa, Nó nghĩ, dư luận cho  mình là ai mà bới móc và phát xét. Sau cùng, cái người ta sẽ mai nhớ, quan tâm, và không ngừng tìm về là thế giới kỳ dị của con bé giàu tưởng tượng, mê sách truyện có hình, sằn sàng bỏ hết để lạc lối vào xứ tiên. Trên những triền cỏ êm đềm những chiều hè lười biếng, trẻ thơ và những kẻ lớn lắm mơ mộng sẽ mải còn vu vơ tìm đằng sau bụi cỏ bóng trắng thấp thoáng của con thỏ già mặc đồ lớn, đang vừa làu bàu vừa chạy hớt hải xem đồng hồ…

Hơn 2 năm trước, một lần ngồi kiếm chỗ để lang thang, mình đã google “Nơi nào sống sướng nhất ở Anh?”
Và vậy là nhân dịp lễ Julibee, Mình đến Arundel, cùng với 1 tour đồng bằng miền Nam rảo qua Wiltshire, Somerset, và Sussex.
“Arundel nào??”
Nằm ở phía Tây Sussex, Arundel nhỏ bé khiêm tốn, không nhiều khách du lịch. Nếu có lúc đông (như lúc lễ tết) thì cũng đông khách mà ít quốc tịch. Xinh xắn bằng phẳng điển hình miền Nam, Arundel thân thiện, dễ chịu với không mấy dân cư, dồi dào cỏ hoa, rau sạch, và không khí trong lành, nhà cửa be bé và nhà thờ thật to. Gần đây người ta đến quay Young Victoria tại lâu đài Arundel, nên cái thị trấn bé xíu này cũng nhờ vậy mà hot thêm được ti tí.

Vừa xuống xe lửa bắt taxi về quán trọ, Mình thầm cám ơn sự lì của chính mình. Mới vài hôm trước, cái nắng hè hấp tấp, khó ở của Brighton và hơn hết là sự tứ xứ hỗn tạp làm Mình mất hết hứng và tính bỏ hết chuyến đi, về lại Rugby trùm mền. Nhưng chắc vì… tiếc tiền vé xe lửa đã mua nên Mình vẫn cứ đi.
Từ Brighton đến Arundel chưa đến vài giờ xe lửa nhưng tương phản như đến mấy thập niên. Từ quán trọ Mình trú ngụ, mình lần mò đường vào thị trấn, băng qua một con đường mòn giữa đồng không mông quạnh, dọc bờ sông. Vừa băng qua cầu vào đến thị trấn, lâu đài Arundel to đồ sộ chiếm như đến hơn nửa thị trấn nằm lừng lững ven sông, cho một khung cảnh như trong phim về các hiệp sĩ thời Trung Cổ.
Và trong cảnh đó, thị trấn Arundel như hiện ra từ nhiều thế kỷ trước. Không một bóng cao ốc hay trung tâm thương mại, những con phố cong cong và nhà thâm thấp nằm xen kẽ nhau, lẫn với các quán xá hiền hòa nằm điềm tĩnh không biển hiệu quảng cáo nhiều màu. Khuất trong nhiều góc nhiều ngõ là hàng loạt các tiệm đồ cổ mỗi tiệm môĩ vẻ, đủ thứ hàng độc, đẹp, và giá cũng dễ mua.
Sau khi rảo qua một loạt tiệm từ ngoài mặt tiền cho đến sâu hút trong arcade thì Mình thật tình đã đói lả, vì trời hè đi bộ dễ đói bụng, cũng có thể vì hít khí trời trong cũng là món khai vị có lý nhất. Và cũng như rất nhiều lần khác đói bụng khi lang thang đi bộ, hành trình chiến đấu giữa cái bụng và hầu bao lại bắt đầu. Mình đi dọc hết các quán xá, café rồi lại vào tiệm tạp hóa. Arundel tuy nhỏ, nhưng không ít tiệm bánh, tiệm cà phê. Đáng yêu nhất là trước mỗi tiệm đều có những bảng hiệu viết tay như “yogurt nhà làm”, “salad từ rau vườn”, “bánh làm từ bột mì Sussex”, v.v.. Có lẽ nhờ tinh thần yêu bản yêu làng của dân Arundel mà siêu thị là khái niệm bị tẩy chay, và Arundel mới giữ được sự mộc mạc đồng quê không mất màu?

 

Lại nhắc là lúc này đang nhân dịp lễ Jubilee mừng nữ hoàng trị vì 60 năm (một cách hình thức cho v ui^^), và toàn nước Anh đang đẹp hẳn lên như Tết. Đẹp lên nhờ thời tiết đầu hè, đẹp lên nhờ không khí lễ hội, và đẹp lên nhờ … cờ dây (bunting). Cờ dây và các chi tiết trang trí xanh, trắng, đỏ màu cờ vương quốc chạy dọc khắp các phố, cửa tiệm, quán xá. Vừa đến một ngõ nhỏ treo cờ dây dày đặc với một tiệm thời trang vintage rất xinh ngay đầu ngõ thì Mình cũng gần đói sắp lả. Quẹo vào một nhà hàng gia đình xinh xinh ở cuối ngõ, Mình dự định sẽ ăn cho xong bữa trưa để còn có sức mà đi tiếp.


Người ta hay nói rằng thức ăn ngon tự đi tìm người biết ăn và có lòng (^^), nên bọn này hay được những ngạc nhiên thú vị về ẩm thực. Ngay giữa Arundel, nhà hàng nhỏ trang trí tông bạc hà mát rượi có cái tên đơn sơ ‘Sage‘ (cây xô thơm), đã đãi Mình một trong những bữa ăn ngon và lành nhất nó từng biết. Trong không khí gia đình dịu mát của nhà hàng, Mình order một cái tortilla wrap cá hồi xông khói và kem phô mai cuộn rau rocket. Sau đó là một phần măng tây nướng sốt hạnh nhân ăn kèm bánh kếp. Nghe thì cũng không lấy gì hoành tráng nhưng trước khi nói về cách nấu, những thành phần đều tươi, xịn, thơm lừng mùi rau cỏ organic, ngon hơn nhờ sự tận tình chăm sóc của vừa phục vụ vừa chủ quán. Nhớ lời thần tượng ẩm thực Heston Blumenthal của mình “70% món ngon là nhờ thành phần chế biến”, Mình hỏi thăm chủ quán về rau trong mấy món ăn. Chị nói toàn là rau tươi được cung cấp từ nông dân ngay trong vùng, nhờ vậy nên tươi và ngon, thực đơn của quán cũng dưạ vào đó mà thay đổi theo mùa.

Sau bữa trưa, Mình nhâm nhi một ly expresso cho tỉnh rồi lại lang thang tiếp về phía nhà thờ thị trấn. Đúng như tinh thần của các thị trấn nhỏ của Châu Âu cổ kính, dân chúng không nhiều tiền xây nhà to nhưng nhà Chúa thì phải vật vã! Nhà thờ Arundel to hơn cả một góc phố, có lẽ đủ nhét vài lần dân số toàn thị trấn. Ngay dịp Julibee nên không khí lễ hội khắp nơi. Bên trong thì thi cắm hoa, bên ngoài thì họp chợ. Mùi bánh, mùi phô mai, mùi beer tự nấu thơm ngát trong một không khí nhuộm xanh, trắng, đỏ. Trẻ con họp lại hát hợp xướng, còn người lớn đệm nhạc (siêu phô), diện đồ đủ cả các hợp thức chướng, khoe cả tinh thần dân tộc và sự lập dị tự nhiên của dân Anh, chắc ăn không đụng hàng.
Đi mãi đến xế chiều, Mình lại đói, dù trời hè châu Âu lại không mưa khiến sáng, trưa cũng như chiều. Lại cái bụng dẫn đường, Mình lạc vào một tiệm bánh mì ở góc phố. Nhìn thì cũng như các tiệm bánh mì khác thôi, nhưng Pallant of Arundel bán cực kỳ nhiều loại bánh mì ngon, phô mai và các thứ mắm Tây đủ mùi. Mình vớ một ổ baguette, miếng compté ngon, và vài thứ ăn nhanh khác, định sẽ mang về làm bữa tối. Nhưng ngay khi ra ngồi ngoài công viên bên sông nhâm nhi trước, cái ngon lành giản dị của cà chua một nắng (semi-sundried tomatoes) làm ngay tại địa phương làm mình chỉ muốn dành trọn hết ngày để ngồi ăn và nhìn trời.

Và Mình đã làm thế thật! Mình quay lại Pallant mua thêm bánh mì và paté nấm rồi lang thang dọc bờ sông theo đường mòn về quán trọ. Bên bờ sông nhiều hoa dại, cỏ lau mọc cao, êm đềm, Mình ngồi xuống nhấm bánh mì phô mai cà chua rồi nằm luôn xuống triển cỏ còn âm ẩm thơm thơm, thấy như thời gian dừng lại, hoà chung với gió, nước nhè nhẹ đẹp như trong cổ tích, tưởng chừng được ngủ gật như Alice để lạc vào xứ thần tiên. Nhưng chẳng thấy thỏ trắng đâu, hay thỏ kỵ mình nên sợ, lẩn trốn mất đâu rồi.

Sáng hôm Mình đi khỏi Arundel, mình cũng chọn đi bộ, để ngắm lại lần nữa thị trấn êm đềm bình yên nhất Mình đã đi qua. Mình dẫn một bà cụ cao tuổi hỏi đường nhanh nhẹn đi dọc bờ sông, xuyên qua những buị lau cao, vừa đi vừa trò chuyện, rồi chia tay ở ngã rẽ ra nhà ga.
Mình vẫn không nhớ mình ở Arundel bao lâu, có lẽ ngắn hơn nhiều so với cảm nhận. Nhưng ký ức êm đềm của cỏ lau bên bờ Arundel và màu hoa vàng rung rinh theo gió của một chiều tháng 6 vẫn in sâu, hẹn một ngày gặp lại.

Nhân dịp sang Singapore ăn đám cưới nhỏ bạn thân hồi đại học, mình tranh thủ sang Phuket đi chơi luôn. Quay lại Phuket lần này thấy vui hơn vì có bạn đời đi cùng (lần trước mình đi một mình), cũng có dịp trải nghiệm nhiều trò vui hơn. Ngoài mấy trò mang tính du lịch cao như thăm cọp hay thử bắn súng, mình có thử đi zipline dài nhất châu Á ở đây. Nói chung thấy khá vui, vì mình vốn thích mấy trò cao cao, bay bay. Leo lên cầu thang của mấy trạm dừng cũng mệt thật nhưng tới lúc đi zipline thấy quên hết cả mệt. Nói chung thấy đây là một trò đáng để chơi cho biết. Không gian rừng rú chung quanh khu vui chơi này cũng khá sinh thái nên tuy hơi nóng (vì mình ghét nóng), lại leo cầu thang suốt mà không thấy mệt. Và đây là chút ít hình ảnh lưu lại của chuyến vui chơi nhảy nhót rất lành mạnh đó:

Một trong những nơi mình nghĩ nên đến nhất ở Châu Âu và thế giới nói chung là Barcelona.

Ở đây, dường như mọi thứ đều xoay quanh ánh nắng, ánh mặt trời Nam Âu rực rỡ, ấm áp, nhiệt thành. Đã đi qua nhiều thành phố và nhiều châu lục, hiếm có nơi nào mình cảm thấy có sự kết hợp cộng sinh chan hòa giữa cái mới và cũ, giàu và nghèo, nhỏ và vĩ đại, như ở đây. Dù là những góc phố chật hẹp ở khu Gothic hay bờ biển đầy ắp du thuyền sang trọng, dù là trong giáo đường lộng lẫy, bảo tàng trang trọng hay ngoài hè phố, luôn cảm thấy một sự vui sống, và tình yêu cái đẹp. Quả không lạ khi Barcelona sinh ra 3 trong số những nghệ sĩ mình yêu thích nhất: Piccasso, Gaudi, và Miro. Riêng với cá nhân mình, thì chuyến đi Barcelona có tác động lớn tới công việc sáng tạo vì lần đầu tiên mình nhìn thấy nhiều thứ phá vỡ nguyên tắc về sự mô phạm, chỉnh chu mà vẫn đẹp rực rỡ. Có lẽ lần đầu tiên mình thực sự cảm nhận được cái đẹp của tự do sáng tạo chính là ở Barcelona!

Cho nên rằng, mặt trời nơi đó ơi, hẹn một ngày gặp lại!

Cloud No. 9