Hôm nay Cáo được 1 tháng rồi. Sau khi đã vật lộn làm mẹ bỉm sữa tập đầu suốt tháng đầu gian nan, mình mới có thời gian ngồi viết về trải nghiệm đi sinh tại AIH, để lưu lại và cho những ai cần.

Hành trình tại AIH của mình bắt đầu từ tuần 27, sau khi quyết định thăm khám thử tại AIH giữa đỉnh điểm của dịch và giãn cách xã hội.

  • Tuần 27 mình định khám với bác Linh nhưng bác kín lịch. MÌnh đến khám với bác Khoe trưởng khoa và được bác hẹn 4 tuần sau tái khám. Lần đầu này vẫn đỉnh của dịch nên mình phải test nhanh trước khi vào khám nhưng không đông lắm nên mình chờ 20-30 phút là được vào.
  • Sau đó, tuần 31 trở đi mình đủ mũi vaccine nên không cần test nhanh trước khi khám. Lần này mình khám với bác Linh. Do nói chuyện với bác xong mình rất yên tâm nên quyết định nhờ bác đỡ sinh luôn. Lúc này bác hẹn mình tái khám tuần 34, 36, và trừ đó trở đi khám mỗi tuần đến khi sinh.
  • Không tiện nói cụ thể lý do, nhưng bác Linh duyệt cho mình sinh mổ. Từ tuần 36, mình khám mỗi tuần, đo tim thai và siêu âm, cũng đặt lịch mổ sau tuần 39. Mình chốt lịch mổ vào 39 tuần 1 ngày, ngay trước giáng sinh (cũng là sinh nhật mình ^^).
  • Trước sinh: mình khám đến ngày cuối cùng ngay trước ngày nhập viện để test PCR, khám tiền mê, kiểm tra lần cuối. Bác sĩ tư vấn gây mê cho mình rất cặn kẽ, cụ thể, nhẹ nhàng. Cảm thấy rất yên tâm.
  • Xét nghiệm mở hồ sơ sinh: mình làm tại Diag rồi đưa kết quả vào AIH
  • Đi sinh: do mình được xếp lịch mổ sáng sớm nên mình nhập viện trước 1 ngày, vào lúc 9h tối. Lúc này ngoài giờ nên mình nhập viện từ khoa cấp cứu, sau khi test nhanh Covid và đo tim thai. Mình nhận phòng lúc khuya và bắt đầu nhịn ăn lẫn uống do mình sinh mổ.
  • Sáng hôm sinh, lúc 6h sáng bệnh viện giao đồ ăn sáng nhưng chỉ người thân ăn thôi chứ mình vẫn phải nhịn. Y tá vào phát áo thay và xà phòng khử khuẩn để mình tắm thật sạch trước khi chuyển sang phòng mổ.
  • Phòng mổ: Khoảng 8h sáng thì y tá lên truyển dịch và đưa mình xuống phòng mổ. Do mình sinh đúng dịp có tặng clip quay hành trình đi sinh nên lúc này có một bạn sẽ đến quay phim. Chồng cũng theo mình xuống phòng mổ. Đi xuống phòng mổ sẽ có các bạn y tá và bác sĩ gây mê đón. Quá trình gây tê khá nhanh và bác sĩ sẽ giải thích trong quá trình làm. Sẽ có một bạn thổi máy sưởi cho mình nên tuy nằm trên bàn mổ mình không cảm thấy lạnh. Có lẽ trong dịch truyền có thuốc an thần và giảm đau, đêm trước lại khó ngủ nên trước khi mổ mình buồn ngủ kinh khủng chứ không lo lắng sợ hãi gì cả. Khi bác Linh vào là bắt đẩu mổ ngay. Lúc này chồng mình cũng vào luôn. Tuy không nhìn thấy bên dưới nhưng cảm giác của mình là khá đông bác sĩ và y tá và thao tác nhanh. Khoảng 5-10 phút sau khi mình tê hết cảm giác là em bé ra rồi. Bé được lau, đem cân do và kề da với mẹ ngay, trong khi bác sĩ khâu vết mổ. Do mình đeo khẩu trang hơi ngộp nên có lúc mình hơi buồn nôn và khó thở, còn lại không có gì khó chịu cả. Sau đó em bé được chuyển qua khoa nhi có ba đi theo. Tuy nhiên do truyền đạt chắc không rõ nên chồng mình đợi nhầm chỗ, mãi một lúc sau mới tìm được chỗ em bé nằm (chỗ này mình thấy là điểm trừ). Còn trong phòng mổ, sau khi khâu xong bác Linh có báo cho mình biết, chúc mình hồi phục và mình được chuyển sang phòng hồi sức. Bác sĩ/y tá trực phòng hồi sức khá ân cần. hỏi thăm thường xuyên và nhắc mình vài lưu ý để săn sóc vết mổ. Sau gần 2 tiếng, khi mình đã cử động được chân và huyết áp ổn định thì mình được đưa về phòng gắp chồng và con.
  • Về phòng và những ngày lưu viện: Khi về phòng mình thấy chồng mình đang ôm em bé mà bé khóc dữ lắm. Thì ra là bé đói mà chồng mình không biết, mà cũng không ai hỏi để giúp pha sữa. Biết là việc này của ba mẹ nhưng mấy cô điều dưỡng lẽ ra cũng nên nhắc ba mẹ. Sau khi biết thì mình nhờ các cô hướng dẫn ba pha sữa thanh (mình mang theo). Trong phòng thì luôn có bình thủy nước nóng. Nguyên ngày hôm đó đến hôm sau mình vẫn phải gắn ống thông tiểu, năm trên giường truyền thuốc và truyền dịch. Trái với lời khuyên của nhiều mẹ, bác sĩ gây mê nhắc nhở mình rất nhiều lần trước đó là không bước xuống giường để đi trong vòng 24 tiếng, do cơ thể sau khi mổ còn rất yếu. Chỉ nằm trên giường tập vài động tác nhẹ nhàng thôi. Suốt hôm đó đến hôm sau mình chỉ ăn cháo. Người nhà thì ăn bình thường. Đến trưa hôm sau thì mình được rút ống thông tiêu, đi lại từ từ thật chậm, có thể tự đi toilet được. Đến chiều hôm đó thì mình tự gội đầu được luôn. Do thuốc ngày đầu có kèm thuốc chống táo bón nên mình bị tiêu chảy. Sau đó, mình hồi phục cũng tạm ổn. Mỗi ngày ngoài thuốc giảm đau tiêm qua dịch truyền còn có thêm thuốc đặt và Paracetamol viên. Tóm lại mình rất ít đau vết mổ.
  • Sữa mẹ: Không bị đau mỏ nhiều nhưng mình bị stress vì vấn đề sữa mẹ. Những ngày đầu mình chưa có sữa, con thì lại đói và cắn nghiến, hút máy không ra nên mình rất căng thẳng mệt mỏi. Đến ngày thứ 3 các bác sĩ và y tá đều khẳng định mình đã có sữa và cần phải hút ra hoặc cho con bú. Em bé mình cắn mình chảy máu, còn máy thì hút không ra lại đau rát nên mình không lấy sữa ra được. Đến hôm xuất viện mình bắt đầu bị cương sữa sinh lý, những ngày sau chữa rất đau đớn. Trong suốt những ngày ở bệnh viện con mình bú sữa thanh Meiji là chính.
  • Lưu viện: Trong những ngày lưu viện luôn có bác sĩ nhi đến thăm và kiểm tra bé (độ vàng da, nhiệt độ, v.v. và vết mổ mẹ mỗi sáng. Mình thấy khá chu đáo, nhưng không ai nhắc mình phải tự gỡ lớp keo dánh sinh học chỗ vết mổ sau 2 tuần nên mãi về sau, cả tháng mình mới gỡ. Mỗi ngày đều có người đến nhắc đưa bé đi tắm và vệ sinh cuống rốn cho bé.
  • Ăn uống: Mỗi ngảy đều có người gọi điện lên phòng hỏi để mình chọn món ăn. Cái này chu đáo nhưng tiếng chuông điện thoại phòng khá ẩm ĩ và lại gắt nên có mấy lần em bé bị giật mình. Đồ ăn bệnh viện thì mình thấy cả món Âu lẫn Á đều lành nhiều hơn ngon, và rất mau nguội lạnh. Bữa phụ thường là sữa tươi hộp hoặc yogurt. Mình ăn để không đói thôi chứ không thấy ngon miệng.
  • Cái mình thấy phiền nhất trong những ngày lưu viện là số lượng người ra vào phòng quá nhiều (lao công, nhân viên thay nước nóng, y tá, bác sĩ nhi, nhân viên giao đồ ăn, vv,..). Họ thay nhau mở cửa nên ban ngày ngủ cứ bị gián đoạn liên tục rất mệt mỏi.
  • Xuất viện: Trong quá trình lưu viện các cô y tá, điều dưỡng cũng rất nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ cho 2 vợ chồng lóng ngóng như tụi mình. Mỗi ngày em bé cũng được mang đi tắm sạch sẽ. Đến hôm xuất viện (buổi trưa), mình vẫn ăn sáng tại bệnh viện, sau đó làm thủ tục trả hồ sơ, lấy thuốc (cho mẹ và bé), và lấy hẹn tái khám sau 1 tháng. Đến lúc ra viện có điểu dưỡng dưa mình ra tận sảnh rất chu đáo.
  • Clip phóng sự đi sinh: Ngoài hôm mình mổ thì sau đó có người liên hệ để quay cho mình cảnh tắm bé, cảnh ba mẹ và bé tại phòng sinh. Sau 3 tuần thì mình nhận được clip và đến khi tái khám sau 1 tháng thì nhận được thiệp điện tử. Tuy không quá đặc sắc nhưng mình thấy clip khá dễ thương, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho bé sau này.

Đây là sơ sơ vài trải nghiệm của mình. Nói chung mình thấy chọn bệnh viện AIH để sinh là đúng đắn và rất an tâm. Ngoài vài điểm trừ nhỏ về dịdh vụ, mình thấy rất tin tưởng các bác sĩ. Các y tá, điểu dưỡng cũng rất quan tâm, chăm sóc mẹ con mình cẩn thận. Nếu có ai bạn bè người thân mình cũng sẽ giới thiệu để sinh tại đây. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích cho những ai đang cân nhắc sinh con tại AIH hoặc chuẩn bị lên đường vượt cạn!

Ở nhà chờ đến ngày sinh là một thử thách với lòng kiên nhẫn. Nên nhân lúc khỏe khoắn đi lại dễ dàng mình đã chuẩn bị góc phòng cho em bé và soạn thật đầy đủ đồ đi sinh để đến ngày chỉ cần xách mang đi bệnh viện. Do tính lo xa nên thật ra mình chuẩn bị dư hơi nhiều. Ở dưới mình sẽ tổng kết lại những thứ mình thấy không cần. Cơ bản mình chia ra 2 nhóm đồ: cho ba mẹ và cho em bé.

Những thứ mình mang theo cho em bé, gồm:

  • Quần áo: Do mình lưu viện 3 ngày và thêm 1 ngày ra viện nên mình mang trên 3 bộ trừ hao (mỗi bộ gồm 1 sleepsuit, 1 bộ bao tay chân và nón), và một bộ xinh xinh cho bé mặc khi về nhà. Ngoài ra mình mang thêm 4-5 bộ bodysuit trừ hao.
  • Tã: Ở bệnh viện mình sinh (AIH) hay bất cứ quốc tế hoặc bệnh viện tư nào cũng sẽ chuẩn bị ít tã cho bé. Nhưng theo mình thấy là không đủ nên mang theo 16-20 miếng. Tã mình chọn là Moony Natural size Newborn (NB).
  • Dầu tắm và một số loại chăm sóc cơ thể mình để chung gồm dầu tắm gội, lotion, kem, v.v. (size du lịch). Mình chọn của Mustela. Một số dầu khác như dầu tràm Huế, dầu khuynh diệp, và tinh dầu massage mình tự pha.
  • Khăn: Theo như bệnh viện dặn, mình mang theo 6 khăn vừa quấn vừa tắm và tầm 10 khăn sữa, khăn giấy ướt và khô. Bệnh viện cũng sẽ cho thêm 1 bịch khăn ướt nữa.
  • Bình sữa đã tiệt trùng và sữa thanh Meiji phòng khi sữa mẹ chưa về. Bình sữa mình mang 4 bình trừ hao thôi nhưng cuối cùng vẫn dùng bình của bệnh viện là chính.
  • Giấy tờ, hồ sơ mình có mang theo nhưng không hề dùng đến vì bệnh viện đã lưu hết thông tin trước đó.

Cho mẹ:

  • 1 bộ quần áo ra viện 
  • Quần lót và bvs Mama cho mẹ thì bệnh viện đã cho nhưng mình trừ hao mang thêm
  • Tấm lót giường Caryn (bệnh viện cũng sẽ cho)
  • Một đôi dép êm ái
  • Bộ chăm sóc cá nhân gồm dưỡng da, dầu tắm gội, lotion, kem và bàn chải đánh răng, dưỡng môi, hay đồ trang điểm nếu muốn. Cái này tùy mỗi người. Nhưng không nên và cũng không cần mang theo dầu thơm. Mình không trang điểm nên chỉ mang theo đúng 1 cây son thôi còn lại chỉ là dưỡng da không cồn và không mùi để an toàn cho mẹ & bé.
  • Một chiếc mền gọn nhẹ, êm ái mình yêu thích nhất. Dĩ nhiên ở bệnh viện có mền nhưng sau khi mang rồi mình thấy đây là thứ hết sức cần thiết nên mang theo.
  • Vớ: 3-5 đôi
  • Một ly trữ nhiệt kèm ống hút.
  • Một số thực phẩm bổ sung như tinh bột nghệ, nước cốt gà (uống cho mau hồi phục sau sinh và cũng có tác dụng kích sữa)
  • Máy hút sữa

Sau khi đã mang hết những thứ này thì thật ra mình thấy đa số là mình mang dư hoặc gần như không xài. Bù lại có những thứ mang theo trừ hao lại thành ra cần thiết và xài rất nhiều:

  • Ly trữ nhiệt, cực kỳ cần đề luôn có nước ấm ngay đầu giường trong những ngày đầu kích sữa. 
  • Mền riêng: Do mình cũng thuộc dạng khó ngủ nên rất cần cảm giác êm ái thân thuộc như ở nhà. Mình lại dễ bị nóng nên trước giờ đi du lịch hay không quen với chăn mền của khách sạn. Trong suốt mấy ngày ở bệnh viện, mình rất mừng vì luôn có chiếc chăn bằng tơ tằm mát nhẹ mang theo.
  • Vớ: Mình sinh mổ và dù bình thường mình hay bị nóng chân nhưng sinh xong chân mình rất lạnh. Mình thấy mang theo vớ giữ ấm chân rất quan trọng.
  • Nếu được nên mang theo một ít snack lành mạnh phòng khi thức ăn bệnh viện nhạt miêng hoặc đói đêm khuya như chà bông, rong biển. Người chăm thì không cần quá kỹ về ăn uống. Mình đi sinh với chồng nên mang theo vài gói mì ăn lúc đêm khuya (nên đem theo 1 tô nhỏ của mình luôn để tiện ăn khuya nếu cần nhé.)
  • Tã và khăn tắm, khăn sữa cho bé: Do lúc mới sinh có nhiều lóng ngóng, nhất là với những ba mẹ tập đầu như mình thì việc xài hao tã là bình thường. Tã của bệnh viện thường không đủ.
  • Sữa: Không có gì chắc sữa mẹ sẽ về sớm nên cứ nên mang tương đối nhiều (8-10 thanh) trừ hao bé bú nhiều. Mình nghe nói sơ sinh bú cưc ít nên không cần mang nhiều nhưng ngày đầu con mình đã bú 20, hôm sau lên 40 lại nhiều cữ nên suýt không đủ sữa thanh cho con.
  • Quần áo bé: thứ mình chỉ mang trừ hao là bodysuit thì thật ra lại xài nhiều nhất. Sleepsuit đẹp thật nhưng do mới sinh con đầu, thay quần áo bé lóng ngóng lại chưa quen thay tã nên mình thấy body, nhất là body tay ngắn dễ mặc lại thoáng mát cho bé nhất. Nên mang nhiều và trừ hao.

Ngoài ra cho người nhà (chồng, mẹ, hoặc người thân), mình mang theo quần áo và sản phẩm vệ sinh cá nhân tùy theo nhu cầu thôi.

Nếu ai sinh ở AIH những thứ không thật sự cần mang vì bệnh viện đã lo đủ (thậm chí dư):

  • Khăn tắm, khăn mặt cho mẹ và người nhà
  • Quần lót mặc 1 lần và băng vệ sinh cho mẹ
  • Tấm lót sản dịch
  • Dầu tắm bé
  • Kem và bàn chải
  • Bình sữa

Mình thấy các mẹ chuẩn bị hết máy móc mang theo rất chu đáo nhưng do mình chủ trương gọn nhẹ nên không mang máy gì theo cả trừ máy hút sữa để kích sữa mấy ngày đầu.

Phần này mình chỉ nói về hành lý đi sinh. Phần sau, mình sẽ chia sẻ vài kinh nghiệm khi sinh ở AIH nhé.

Hôm nay Tuấn, thằng bạn từ cấp 3 của mình nằm xuống vì bệnh tật, để lại nhiều mộng ước chưa thành…

Đưa tiễn thằng bạn già quen hơn 20 năm chợt nhớ ra một bài hát nó rất thích.
Hay đùa cợt và chọc phá nhưng nó luôn là đứa sâu sắc.
Bài hát hơi buồn và cô độc nhưng nó đã luôn sống tình cảm và lạc quan.
Alone or not, may you walk in peace, always.

View quận 7 sáng sớm 27 Tết

“Mẹ ơi, con chắc năm nay ở nhà…”

Tết Nhà.

Tết Sài Gòn. Trời mát mẻ, nhiều gió. Không có pháo nhưng mà vẫn thiệt ồn. Đường về nhà bán cây bán hoa kín cả 2 lề.

Thiên hạ no đủ hơn, mặc đồ nhiều màu hơn, nhiều hàng quán hơn, hoa trái nhiều loại hơn, đường Nguyễn Huệ đông hơn.

Con nít mặt sáng sủa thông minh hẳn vì không bị đi học thêm.

Người lớn hối hả hơn, nhiều lo toan hơn, tốn cả đống tiền nhưng mà khoái, gặp nhau ai cũng hỏi coi “nghỉ Tết chưa?”

Hàng quán sắp bắt đầu đóng cửa. Đi ăn lúc tính tiền nhớ hỏi chừng nào bạn khai trương lại.

Shipper chạy như con thoi ngoài đường, mệt mà dzui dzẻ. Nhận hàng ráng đừng lấy tiền thối, nhớ hỏi thăm chừng nào bạn về quê.

Nghen.

Tết Sài Gòn.

Tết Nhà.

?

We are deeply grateful for the support of our family and friends who were directly or indirectly involved in the planning and the execution process of our wedding.
We also thank the friendly staff of Dalat Cadasa Resort
Most of all, we are grateful to everyone who came to our wedding and shared such wonderful moments of our life together.
Thank you for always being there for us!
——————-
Wedding planning & art direction: Turine Tran
Flower design & cake decoration: Nam Anh TranTue Man
Technical lead & MC: Samuel Le
Coordinator and activities: Grace NguyenTatLuat Nguyen
Live music: Mi Ma, Nam Anh Tran, Chuột Béo, & our dear guests.
Invitation: Turine Tran, Khoa Nguyen

Xin làm người lữ khách…

Người ta hay nói, lang thang là một cái ‘số’, là định mệnh, là tính trời sinh, là duyên nên như vậy.
Có lẽ…
Cách đây lâu rồi, sau nhiều, nhiều lần dọn nhà rồi lại dọn nhà, Nó nằm nghe mùa đông Paris tuyết phủ ngoài ban công, bùi ngùi hát theo bài ‘Life for Rent’ của Dido, thấy lòng hỗn độn, vừa thương mình, vừa băn khoăn. Có thật là do duyên, do định mệnh mà có người thì sớm ấm êm, thích an cư, lạc nghiệp, có người lại ưa rong ruổi, thích chu du..?

‘Life for Rent’ – Dido

Tử vi bảo Nó có mệnh Tham Lang. Mệnh này không có gì xấu, nhưng người Á Đông không ham lá số này cho đàn bà. Lang là lang thang. Người mang số này khó ở yên, hay rong ruổi, làm việc cũng nhiều thứ, lắm trò chứ khó ở yên, an cư lạc nghiệp hay thỏa mãn được với một thứ gì duy nhất.
Nếu như có ai thắc mắc về sự Nó vẫn còn lang thang, thì Nó bảo “ờ, đi nhiều vui mà, tại thích tự do…”. Cũng có vui thật, vì từ lâu nó đã thôi thương mình còn hoài rong ruổi. Vì chẳng phải cái gì cũng chính mình chọn đó sao, và tự do là một sự lựa chọn.
Tự do bình thường lắm, giản đơn lắm. Tự do là thôi mơ mộng hão huyền về một cái gì duy nhất, một cái gì phải có mới được, thôi chạy theo những mục tiêu và gạch đầu dòng trong danh sách phải làm. Tự do là biết những gì mình có và muốn đều là tự chọn và có trách nhiệm với nó. Nó nghĩ khác với nhiều người cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm không bị gì ràng buộc? Ồ, ở đời ai mà lại không có ràng buộc. Ràng buộc cũng là một phần lý do sống vậy. Tự do là sống bình an trong hiện tại. Vậy là vui, vậy là tự do. Ở ru rú trong nhà nấu cơm cho chồng, thay tã cho con hay rong ruổi lang thang nhiều hang nhiều hẻm, suy cho cùng cũng là tìm cái đó thôi.
Những lúc tiêu cực, Nó vẫn thấy hiện lên trong đầu một suy nghĩ u ám “Sao thế giới rộng lớn vậy mà không có lấy một góc nhỏ cho tôi…? Sao tôi luôn thiếu thốn thời gian?” Nhưng rồi tiêu cực cũng chỉ là một sắc thái của cái tâm lý luôn biến động thôi. Ai mà chẳng vậy. Tại sao phải có một không gian vật lý hay thời gian cụ thể, vì chẳng phải nơi đã đi qua, những chương đời đã sống… tất cả đều là của mình hay sao?
Cái số Tham Lang, hay do tính tình không biết, làm mình ngồi ở Paris thì thèm sang Scot, ở Scot thì nhớ Paris, xuống London lại nhớ Saì Gòn, về Sài Gòn lại nhớ Paris. Nhưng nhớ rồi thì lại nghĩ ra, mình cũng chính là những miền đất ấy, không gian ấy.
“Khi ta ở, chi là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”
Rồi tự dưng thấy đời thiệt đẹp và hiền.

“Nothing I have is truly mine…”

But in all, I Am.

 

Cloud No. 9