Tết 1992

 Hình như sắp Tết rồi…

Gọi là “hình như”, vì Tết chỉ có ở trong iCal, trong một dòng in nghiêng trong agenda, và một chút ở trong lòng, trong kỷ niệm. Tết, một cái Tết rất “hình như”, chỉ vậy thôi.

Gần 17 năm trước, Sài Gòn ngây ngô mùa xuân sau cùng còn nghe tiếng pháo. Ngây ngô vì ai nấy hớn ha hớn hở áo dài, chợ hoa, mà không nhớ ra đó là mùa sau cùng đường phố Sài Gòn còn được tắm trong màu xác pháo.

Pháo. Làm sao trẻ con biết được mùi thật của Tết, nếu thiếu đi mùi ngây ngây dài dại của pháo trong giờ sau cùng năm cũ khai đêm giao thừa? Làm sao người ta lớn lên mà quên đi được cái màu của xác “hoa đào miền Nam” vương đầy mặt phố. Đủ màu, đủ sắc, hồng cánh sen, hồng phấn, hồng tươi, hồng tro, hồng hơi cam, hồng hơi tím, hồng trầu… Pháo bay nhiều hơn hoa, mùi đậm hơn hoa, và khác với hoa nhất ở thanh âm. Pháo mang đến cho Tết sắc, âm, hương, và cả vị. Hình như pháo còn có thể nếm được, vì tôi nhớ vị của pháo hơi ngòn ngọt, đi vào mũi thì nhanh nhưng từ đấy đi rất nhẹ xuống cổ họng một mùi nồng đặc. Pháo đo những ngày Tết, và cũng như những mùa hoa lúa, được gieo, nuôi, nở rộ và thu hoạch. Cùng với pháo, người ta gieo và gặt Tết. Tết gieo trong lòng người từ những ngày rộn rã đi “săn” pháo, nhiều kích cỡ và màu sắc, đến chiều 30 thi nhau mà treo pháo lên (Ở khoản này thì phải cám ơn văn hóa phô trương, máu sân si và xả láng của dân Sài Gòn). Pháo rộ hoa đêm 30, rộn rã hơn bất kỳ chợ hoa nào, và đưa hương Tết thăng hoa sớm mùng một, rồi linh đình những ngày đầu năm. Với pháo nổ giòn giã suốt những ngày Tết, mai nở rộ, bánh chưng liên tục được bóc, và người gặt thêm một mùa xuân. Khi người ta bắt đầu thôi đốt pháo cũng là lúc Tết êm dần, rồi pháo khai trương sau Tết của những nhà hàng, hiệu buôn cũng là tiếng hắt ồn ào sau cùng của Tết.

Đêm giao thừa 2009 tại Chinatown, Singapore

Chỉ những đứa con nít đường phố nào từng chơi pháo chuột mới thực sự “mê” Tết. Và những đứa kín cổng cao tường (giống tôi) thèm nhưng không được chơi mới hiểu sự “thèm” Tết. Pháo trung, pháo đại, pháo tràng, và nhiều thứ pháo ta, pháo tàu,… đùng đùng, đèn đẹt nhả khói khắp phố làm thành một làn voile khoác êm đềm ngây ngất phủ lên cái Tết kiêu sa, phồn hoa cùa Sài Gòn, và phủ lên kỷ niệm của những ai yêu nó, đánh động mọi giác quan.

Gần 17 năm trước, đêm giao thừa, mẹ nấu mì sườn heo, rất thơm và nóng. Hình như dân chơi pháo biết năm đó là dịp cuối cùng để chơi, nên người ta đốt pháo nhiều hơn, đốt dữ dội, và không cái Tết nào khói pháo Sài Gòn dày đặc, đâm đà như mùa xuân năm 94. Chắc không đứa trẻ nào, nếu hay tin từ năm sau bị cấm chơi pháo nhận ra ngay cái mất mát của những mùa xuân sẽ đến.

Cỗ Tết 2010 ở Paris

Năm đó, lễ giao thừa, nhà thở cũng nghi ngút khói nhang trầm, vừa thơm, vừa cay. Mẹ may cho tôi 1 cái áo đầm bằng vải kim tuyến nhiều màu, rất đẹp nhưng mặc hơi ngứa, đi lại nghe sột soạt. Năm đó, giao thừa, trẻ con đắm chìm trong mùa khói pháo sau cùng. 

Mùa xuân sau, đêm giao thừa, nhiều dân chơi pháo bồi hồi mang cassette ra giữa phố mở băng thật to tiếng pháo xuân mà hoài cổ. Hình như ở một vài quận của Sài Gòn, người ta có liều đốt đại nữa. Xem như các anh các chú dân phòng lại có công ăn việc làm trong phiên gác đêm xuân. Từ mùa xuân sau đó, TV không còn mở khuyến cáo đề phòng cháy nổ lúc cận Tết nữa. Nghe đồn tỉ lệ cháy nhà do các sự cố liên quan đến pháo giảm hẳn đi, và chắc sắc lệnh cấm pháo cũng giúp tiết kiệm được cho dân Sài Gòn máu nóng, ham chơi một khoản tiêu pha đáng kể. Chợ hoa không còn bao giờ như cũ nữa. Người ta ít mặc áo dài đi. Hình như đầm và tóc nhiều màu thành mode hơn, và đường Nguyễn Huệ không còn những kiosk cũ. Sài Gòn vắng khá nhiều, rồi lại đông hơn rất nhiều. Tết không ai chết hay cháy nhà vì pháo nữa, chỉ vô bệnh viện vì đua xe nhiều hơn, đốt tiền nhiều hơn trong nhiều thú vui tao nhã khác hơn. Ừ, chỉ là sự chuyển hóa chứ không mất đi. Nếu có một thứ mất đi, thì là cái màn tơ chiffon êm, nhẹ, ngây dại, ngòn ngọt dư vị khoác lên Tết của Sài Gòn.

Không gì thay được pháo.

Không cao lương mĩ vị Đông Tây nào thay được bánh chưng trong những ngày Tết. Mùi thơm của lá, chất dẻo của nếp, vị mằn mặn của đậu, vị béo ngấy của mỡ, mùi nồng của cải muối… “Quê hương ơi, người ở đâu, nếu không phải từ trên đầu lưỡi (?!)”

 

Tết tha hương, cái đẹp nhất, còn nguyên vẹn nhất, có chăng là kỷ niệm. Mà kỷ niệm, nếu cất kỹ thì chẳng bao giờ mất đi. Như hương pháo, độc hại ô nhiễm gì đấy không cần biết, chỉ nhớ nó, từ bao năm cũ, từ bao thế hệ, đi vào không gian, lan xa, vào mũi, chuyển xuốn họng, đi vào lòng, rồi viễn du mãi mãi vào trong ký ức về những mùa xuân đã qua và tươi sắc đào nguyên trong đó.

 

Xuân 2011

===========

(Tặng những người Sài Gòn mùng một Tết ưa thắt bím lá dừa, chải tóc 3/7 và xịt keo.)

 

Có một Sài Gòn thành phố trong tôi

Có nắng, có mưa, có tên, có tuổi

Có ngày xưa và ngày nay đong đủ

Hai mươi năm tròn một nỗi nhớ chơi vơi

 

Có một Sài Gòn nắng cháy khôn nguôi

Những chiếc cầu gió bụi rên mê mỏi

Vỉa hè nghèo chiều mưa rơi khuất lối

Gánh hàng rong buồn ủ rũ nhịp rao

 

Có những chiều Chúa Nhật êm trôi

Giáo đường nghiêng nghiêng in bóng Mẹ không lời

Phím nhạc sầu còn vương sau thánh lễ

Lần dịu dàng những chuỗi ngọc mân côi

 

Có những ngả đường thân quen tên gọi

Những sáng chiều đưa đón, chờ trông

Mẹ đứng đơn côi trước cổng trường lặng lẽ

Bảy năm dài tuổi mẹ vội vàng trôi

 

Rồi một chiều phố xá bặt tiếng vui

Xe chầm chậm đi trong nắng tắt môi cười

Chở xác mẹ qua âm thầm ngõ tối

Đưa tôi qua một ranh giới của đời người

 

Những ngày Sài Gòn nuôi lớn hồn tôi

Nắng uốn cong con đường quen chờ đợi

Cà phê chiều hôn tóc anh bối rối

Ghế đá tình tự chuyện hò hẹn, tiễn đưa

 

Những quán xá luôn chờ khi bụng đói

Ướp đèn vàng đẫm sương, ướp những tiếng chào mời

Hủ tíu, phở khuya, thơm nồng tỏa khói

Cơm tấm ngát mùi sườn nướng giữa đêm khơi

 

Ôi bao nhớ thương, ôi bao mời gọi

Ôi bao ngả đường thành phố ngược xuôi

Những năm ấm êm, những mùa gió bụi

Hai mươi năm biết nói sao hết lời

 

Có một Sài Gòn như thế đã xa xôi

Xa chiều ướt mưa, xa ngày nông nổi

Nhạt nhòa giấc mơ, úa phai tiếng gọi

Phố đã quá tập nập, và nhà đã đổi tên

 

Còn lại một Sài Gòn tha thiết trên môi

Mãi không mất tên, mãi không xa rời

Bàng bạc kỷ niệm rưng rưng nhức nhối

Khắc khoải ru hoài những mộng lành đời tôi.

===

Singapore – 2009

Cloud No. 9